Hát sắc bùa - Nét đẹp đầu xuân ở huyện Kỳ Anh
EmailPrintAa
14:58 06/02/2017

Cứ mỗi dịp trời đất giao hòa vào xuân, một số địa phương ở huyện Kỳ Anh lại rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng sinh tiền và tiếng chúc phúc trong hội sắc bùa. Đây là hình thức văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn đang được gìn giữ, lưu truyền ở địa phương.
   

Một đội hát sắc bùa

Khác với nhiều loại hình dân gian khác, hát sắc bùa mỗi năm chỉ diễn ra vào dịp Tết cổ truyền, khi mọi nhà chuẩn bị đón Tết thì cũng chuẩn bị để đón đội hát sắc bùa. Hát sắc bùa là loại hình văn hóa dân gian mang nhiều yếu tố tâm linh cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho cuộc sống an vui, hạnh phúc. Đội sắc bùa thông thường có từ 6 đến 12 người, nếu đông hơn thì gọi là phường bùa, bao gồm: 1 người cai sắc, 1 người tróc quỹ, 1 người đánh trống, 1 người gõ phách, 1 người đọc thần chú, những người còn lại có vai trò như đội đồng ca. Người cai sắc thường là người nhanh nhẹn, thông minh, thông thạo các bài hát chúc mừng và có thể ứng khẩu sáng tác tùy theo hoàn cảnh và đối tượng sao cho phù hợp với từng gia cảnh. Các phường hát sắc bùa ở huyện Kỳ Anh thường tập trung luyện tập vào đầu tháng Chạp và bắt đầu hát vào đêm Giao thừa cho đến Rằm tháng Giêng. Trong đêm Giao thừa, sau khi làm lễ cầu sắc tại đình chùa có thờ thần tổ, tổ cô hoặc thờ những người có công với quê hương, đất nước, vào lúc thời khắc bước sang năm mới, phường hát sắc bùa đến chúc phúc cho các gia đình. Trên đường, đoàn vừa đi vừa hát, vừa đánh trống, chiêng, gõ mõ, thanh la…, thu hút đông đảo bà con tham gia cổ vũ. Khi đến trước cổng nhà nào, chủ nhà đó mở cửa nghênh tiếp, người cai sắc đánh 3 hồi trống và cùng gia chủ đi vào. Khi cả đoàn vào trước bàn thờ, người cai sắc làm thủ tục vái lạy gia tiên, còn các thành viên trong đội xếp thành hàng ngang sau đó theo nhịp trống hát chúc xuân và chúc phúc cho gia đình. Hát sắc bùa có nhiều làn điệu, ngoài các bài truyền thống theo từng giai điệu, còn có bài hát theo hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình do người cai sắc thể hiện. Phường hát sắc bùa còn sưu tầm hoặc sáng tác lời mới để đáp lại lời hát của chủ nhà, cứ như thế, cuộc thi thố tài năng luôn lôi cuốn và hấp dẫn. Cuối cùng, phường hát sắc bùa hát lời cảm tạ để đến chúc mừng các gia đình khác. Khuôn mặt của phường sắc bùa ai nấy cũng phải vui tươi rạng rỡ để làm cho gia chủ vui mừng, làm cho thôn xóm rộn ràng, phấn chấn.

Hát sắc bùa là hình thức chúc Tết hết sức độc đáo của nhân dân ta đang được người dân huyện Kỳ Anh tiếp nối và sáng tạo, phổ biến nhất là ở các xã Kỳ Hải, Kỳ Thư, Kỳ Tân... Hát sắc bùa đã được giới thiệu ở các kỳ liên hoan, hội diễn văn nghệ, phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương. Với các làn điệu mới, hát sắc bùa đã góp phần tuyên truyền phục vụ công cuộc xây dựng, đổi mới của quê hương, đất nước. Rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp có chủ trương, chính sách, quan tâm hỗ trợ để tiếp tục để bảo tồn và phát huy lối hát truyền thống đặc sắc này.

                                                                    Trần Mạnh Hải


    Ý kiến bạn đọc