Học tập suốt đời để không bị tụt hậu
EmailPrintAa
10:04 01/07/2019

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học. Truyền thống hiếu học của người Việt thể hiện qua đạo lý ứng xử “tôn sư trọng đạo”. Tuy vậy, chuyện học ngày xưa thường mang nặng tính chất khoa bảng, học vì động cơ đi thi để ra làm quan là chính, tức là học chỉ nhằm mưu cầu lợi ích có địa vị xã hội (thực danh), chứ chưa chú trọng đến thực học, thực hành, thực nghiệp.

Ảnh minh họa

Thời nay, muốn không bị tụt hậu so với thời đại văn minh trí tuệ, mỗi người dân không thể không coi việc học thường xuyên, học tập suốt đời trở thành nhu cầu thiết thân như cơm ăn nước uống hằng ngày. Bởi vì chưa có thời đại nào mà sự phát triển kiến thức lại tăng tốc vượt bậc như thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Sống giữa “đại dương kiến thức” mênh mông của nhân loại, nếu ai đó ngại học, ít học, lười học, học không bài bản, học không thường xuyên đều có thể bị “nhấn chìm” dưới “làn sóng” văn minh của nhân loại.

Tất nhiên, chuyện học ngày nay không phải là học theo kiểu “năng nhặt chặt bị”, mà quan trọng hơn là học theo phương châm “lấy kiến thức tối đa trong thời gian tối thiểu”. Mới nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng thực chất đó là một cách học theo phương pháp tư duy thông minh, sáng tạo, học để hiểu cốt lõi vấn đề, chứ không phải là học vẹt, học chạy theo bằng cấp hư danh để trang hoàng cho lý lịch cá nhân thêm bóng bẩy.

Một thời cách đây chưa xa, cánh cửa đại học từng được ví là khe hẹp của hầu hết người trẻ, mà nếu ai vượt qua được nó thì coi như vượt qua cửa ải khó khăn nhất của đời người và mang về niềm vinh dự, tự hào cho cả gia đình, dòng họ và làng xã. Dù quan niệm đó ít nhiều đã bị phai nhạt trong xã hội hiện đại, nhưng thực tế còn một bộ phận phụ huynh, học sinh vẫn coi việc học chỉ nhằm mục đích thi và đỗ vào một trường đại học nào đó luôn là ưu tiên số một. Mong muốn này tuy không sai, song khiến không ít học sinh chỉ lao đầu vào học theo kiểu nhồi nhét để lấy kiến thức đi thi, mà không biết rằng, học là một quá trình lâu dài và gắn liền với cả đời người, chứ không phải học tập chỉ có trong thời kỳ ngồi trên ghế nhà trường.

Lại có ý kiến cho rằng, rồi đây thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những robot có trí tuệ nhân tạo “siêu thông minh” hơn cả con người thì đến một lúc nào đó, những “công dân toàn cầu” sẽ không cần phải học hành vất vả như thế hệ cha ông chúng ta! Suy nghĩ này là phiến diện, bởi những “bộ óc robot” chỉ được lập trình sẵn và giúp con người ở một số công việc, lĩnh vực nhất định, chứ không thể và không bao giờ thay thế được khối óc mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Nhưng con người muốn làm chủ được robot, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội thì phải thường xuyên được dung nạp, tiếp thu những tinh hoa tri thức văn hóa, khoa học đã được nhân loại sáng tạo từ hàng nghìn năm qua và đang tiếp tục được cập nhật, bổ sung từ chính cuộc sống, lao động sản xuất của loài người thời nay.

Thời điểm này, nhiều địa phương đang tiến hành tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20-2-1014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Đây là dịp để mỗi người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng củng cố nhận thức thấu đáo hơn về vai trò, ý nghĩa của việc học suốt đời. Quan trọng hơn, qua việc sơ kết này, chúng ta cần sớm thay đổi tư duy về mục tiêu, phương pháp học tập, bảo đảm cho việc học của mỗi người phù hợp với điều kiện, yêu cầu, công việc, nhiệm vụ của mình mà vẫn không quên việc thường xuyên “hâm nóng” tinh thần học tập bền bỉ suốt đời để tránh tụt lại phía sau trên hành trình phát triển hằng giờ, hằng ngày của nhân loại.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc