Hội Nông dân các cấp thực hiện các nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
EmailPrintAa
16:30 13/08/2018

Xác định Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 19/5/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020 là những nghị quyết quan trọng, là luồng sinh khí mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với lợi ích thiết thực của người nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nông dân các cấp triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Hội Nông dân tỉnh sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2018

Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền sâu rộng cho hội viên, nông dân nội dung các nghị quyết và Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nông dân trong thực hiện nghị quyết và xây dựng nông thôn mới. Trước hết là nâng cao nhận thức của người nông dân về vai trò chủ thể của mình trong việc “xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh dịch vụ ở nông thôn”.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua của tổ chức Hội, đặc biệt là Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội Nông dân tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đổi mới, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, đồng thời tổ chức các lớp dạy nghề, tư vấn giải quyết việc làm. Bình quân mỗi năm, Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 25 - 30 lớp tập huấn cho gần 1.000 nông dân tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và mở 171 lớp dạy nghề cho 2.400 nông dân tập trung chủ yếu là nghề chăn nuôi thú y, góp phần nâng cao tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề.

Hội Nông dân hướng dẫn, phối hợp thành lập các tổ vay vốn, giúp hội viên, nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hoá các khâu sản xuất; nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa; bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, phù hợp với điều kiện của từng vùng; vận động hội viên, nông dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, các trang trại, gia trại nuôi trồng các cây con chủ lực của tỉnh và của từng địa phương; xây dựng các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo lãnh, tín chấp cung ứng vốn cho nông dân, tổng dư nợ hiện nay đạt hơn 3.600 tỷ đồng với gần 78 nghìn lượt hội viên, nông dân vay. Tính đến nay, các tổ chức Hội đã vận động thành lập được 56 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác, chủ yếu là chăn nuôi lợn, bò, hươu, cá, xây dựng được trên 2.500 mô hình sản xuất, kinh doanh.

Hội Nông dân là tổ chức đi đầu trong việc ký kết sản xuất theo chuỗi để hỗ trợ nông dân theo hình thức: Hội thành lập tổ hợp tác, cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và vốn ủy thác, ký với doanh nghiệp để xây dựng mô hình theo chuỗi, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng với việc vận động nông dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân tỉnh đã mở Cửa hàng nông sản an toàn để góp phần quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Hội Nông dân phối hợp vận động nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn

Bên cạnh đó, các cấp Hội tập trung vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; động viên hội viên, nông dân tích cực đóng góp ngày công, kinh phí, hiến đất và tự nguyện tháo dỡ công trình trên đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố, nâng hiệu suất sử dụng nước tưới; đường nông thôn được mở rộng, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Hội Nông dân vận động hội viên, nông dân đóng góp thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học; xây dựng các nhà văn hoá, khu vui chơi thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của cộng đồng dân cư.

Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và 9 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU đã làm thay đổi nhận thức và chất lượng cuộc sống của người nông dân. Tuy vậy, trong triển khai thực hiện các nghị quyết và Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp còn có một số tồn tại, hạn chế, như: Một số tổ chức Hội ở cơ sở chưa phát huy được vai trò để tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện nghị quyết và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc tuyên truyền, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có mặt còn hạn chế. Số lượng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị do các cấp Hội hướng dẫn, đỡ đầu chưa nhiều; phần lớn các mô hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Vai trò của tổ chức Hội trong giám sát, phản biện, nhất là giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa rõ nét.

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong vận động, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 08-NQ/TU, các cấp Hội Nông dân sẽ tập trung một số vấn đề sau:

Trước hết, tiếp tục làm tốt vai trò của các cấp Hội theo tinh thần Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  “ Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020” . Chủ động tham mưu, đề xuất những ý tưởng mới, sát với tình hình thực tiễn sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Thứ hai, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh một số chính sách giúp người dân dễ tiếp cận hơn, để đa số người dân được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của địa phương, tránh tình trạng chỉ một bộ phận người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất mới được hưởng lợi từ chính sách.

Thứ ba , tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, tham mưu các chính sách đồng bộ, căn cơ để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn; giảm dần chênh lệch về thu nhập và mức sống của nông dân so với các thành phần khác.

Thứ tư, phát huy tốt hơn vai trò của các cấp Hội trong việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu đảm bảo thực chất, bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn.

Thứ năm, kiến nghị các cấp, các ngành tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân các cấp phát huy tốt vai trò của mình, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn của Hà Tĩnh hiệu quả, phát triển bền vững, thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu; không ngừng nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân ở vùng nông thôn, trước hết là là nông dân, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại.

Bùi Nhân Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh


    Ý kiến bạn đọc