Hội thảo khoa học “Đóng góp của giáo dục và khoa cử Nho học ở Hà Tĩnh đối với lịch sử dân tộc”
EmailPrintAa
22:19 26/09/2022

Sáng ngày 24/9/2022, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học “Đóng góp của giáo dục và khoa cử Nho học ở Hà Tĩnh đối với lịch sử dân tộc”.

Các đại biểu dự Hội thảo

Dự hội thảo có đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng nhiều nhà khoa học, học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh. PGS.TS Đinh Quang Hải - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; TS Võ Hồng Hải - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh; ThS Bùi Xuân Thập – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ThS Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ; TS Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cùng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được 31 tham luận của các nhà nghiên cứu, học giả. Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ bức tranh tổng quan về giáo dục và khoa cử Nho học ở Hà Tĩnh qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc (tình hình giáo dục, hệ thống trường lớp ở các địa phương, các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình có người Hà Tĩnh tham dự…) như: Trường học tư nhân và giáo dục Nho học ở Việt Nam thế kỷ XVIII trong bối cảnh Đông Nam Á - Trường hợp Phúc Giang thư viện; truyền thống khoa cử và các nhà khoa bảng Hà Tĩnh; khoa cử Nho học ở Xứ Nghệ dưới triều Nguyễn - Nhìn từ phân tích các dữ kiện trong tài liệu mộc bản; Hà Tĩnh trong tiến trình lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX: Sự nổi lên của một vùng nhân tài và vùng văn hoá; một số đóng góp của các nhà Nho học khoa bảng Hà Tĩnh dưới triều Nguyễn; Họ Nguyễn Tiên Điền và truyền thống giáo dục và khoa cử Nho học; truyền thống học hành và các vị đỗ đạt nho học của làng Trường Lưu; Cử nhân Đào Hữu Ích một vị quan yêu nước, thương dân; Danh thần Nguyễn Hoành Từ - Ngài là một thể; Trương Quốc Dụng và các vị đỗ đạt Nho học ở xã Thạch Khê; Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 - 1954); Cuộc đời, sự nghiệp, tài hoa và nhân cách, sự lựa chọn con đường khoa cử và chống Pháp của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng…

Theo báo cáo đề dẫn và các ý kiến tham luận, từ xưa đến nay, Hà Tĩnh luôn được coi là vùng “địa linh nhân kiệt”. Con người Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học và học giỏi, có tinh thần tương thân, tương ái và tính cộng đồng cao. Trong khoảng thời gian gần 1.000 năm của chế độ giáo dục và khoa cử Nho học, Hà Tĩnh đã có 148 người đỗ đại khoa, có hàng ngàn người đỗ Hương cống và Tú tài. Nhiều nhà khoa bảng sau khi đỗ đạt đã có những đóng góp, cống hiến đáng kể trên các lĩnh vực chính trị - quân sự, kinh tế, văn hoá - xã hội và ngoại giao cho quê hương và đất nước. Sự đóng góp của tầng lớp trí thức, khoa bảng Hà Tĩnh trong lịch sử nước nhà được ghi nhận, tôn vinh. Nhiều nhà khoa bảng, nhiều dòng họ đỗ đạt của Hà Tĩnh là những tấm gương sáng để các thế hệ sau kế thừa, học tập, noi theo.

Các tham luận cũng nêu một số bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để phát huy truyền thống hiếu học của người Hà Tĩnh trong thời kỳ cách mạng 4.0 hiện nay.

Tổng kết hội thảo, PGS.TS Đinh Quang Hải, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam khẳng định, sau một buổi làm việc với tinh thần nghiêm túc, khoa học, đạt chất lượng cao, Hội thảo đã tập trung nghiên cứu tổng quan về giáo dục và khoa cử Nho học ở Hà Tĩnh qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Nhiều vấn đề liên quan đến truyền thống hiếu học, thi cử của nho sĩ Hà Tĩnh dưới thời quân chủ được công bố và bổ sung, làm sáng tỏ thêm những đóng góp của các nhà khoa bảng, các dòng họ hiếu học tiêu biểu của Hà Tĩnh; nêu một sốbài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để phát huy truyền thống hiếu học của người Hà Tĩnh. Kết quả của Hội thảo tạo tiền đề để các nhà nghiên cứu, học giả… tiếp tục nghiên cứu, có những đề tài chuyên sâu về giáo dục và khoa cử Nho học ở Hà Tĩnh nói riêng, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước.

Nguyễn Thị Nga (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch)


    Ý kiến bạn đọc