Huy Cận - Tự hào một danh nhân
EmailPrintAa
16:55 30/05/2019

Nhà thơ Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận, sinh ngày 31/5/1919 trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu thuộc xã Ân Phú, huyện Hương Sơn (sau đó thuộc huyện Đức Thọ; nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cù Huy Cận là dịp để chúng ta nhìn lại những đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng, với quê hương, đất nước và nền văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Nhà thơ Huy Cận (ảnh Tư liệu)

Từ nhỏ, Huy Cận học chữ Hán với bố và học đến lớp 4 ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Năm 1942, Ông tham gia phong trào sinh viên và Mặt trận Việt Minh, tháng 8 năm 1945 ông dự Hội nghị quốc dân tại Tân Trào và được bầu vào Ủy ban cứu quốc, sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời. Sau cách mạng tháng 8/1945 ông được cử giữ các chức thứ trưởng, bộ trưởng của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Với những đóng góp quan trọng cho văn học, năm 1996 ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, năm 2001 được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới, năm 2005 Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.

Về sự nghiệp sáng tác văn học, nghệ thuật, Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ mới. Sáng tác của Huy Cận được chia làm hai giai đoạn với phong cách thơ hoàn toàn khác biệt. Huy Cận đã có những bài thơ đăng báo từ năm 1936 và cho in tập thơ Lửa thiêng năm 1940. Thơ ông là tiếng lòng thiết tha gắn bó với quê hương, đất nước, khao khát được cống hiến tuổi trẻ và tài năng, nhưng trong thơ ông luôn có nỗi buồn về cuộc đời, về kiếp người, về quê hương, đất nước trong cảnh lầm than nô lệ. Từ sau Cách mạng tháng 8, ánh sáng của lý tưởng cộng sản có ý nghĩa như một bước ngoặt lịch sử, đưa trang thơ Huy Cận vượt khỏi những ám ảnh, những giới hạn chật hẹp do mặc cảm nặng nề về thân phận nô lệ tạo nên; tiếng thơ trở nên đằm thắm, sâu nặng nghĩa tình, cảnh sắc thiên nhiên trở nên ấm áp, tươi vui. Quan điểm nghệ thuật, lập trường tư tưởng đã thay đổi căn bản, đó là tiền đề để ra đời các tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958), “Đất nở hoa” (1960), “Bài thơ cuộc đời” (1963).

Nhà thơ Vũ Đình Minh từng nhận xét: “Cù Huy Cận là nhà thơ hoạt động chính trị, nhà văn hóa lừng danh vượt qua cả biên giới quốc gia để hòa nhập vào dòng văn hóa của thế giới”. Cù Huy Cận được các bạn bè thế giới biết đến với lòng cảm phục, quý mến bởi ông từng đại diện cho quốc gia tại nhiều tổ chức, diễn đàn văn hóa, chính trị quốc tế như: Đồng Chủ tịch Ðại hội nhà văn Á Phi họp ở Ai Cập (02/1962), đồng Chủ tịch Ðại hội văn hóa toàn thế giới họp tại Cu Ba (01/1968), Ủy viên Hội đồng chấp hành Unesco (1978/1983), Ủy viên Hội đồng cao cấp các nước nói tiếng Pháp. Ông đã để lại cho hậu thế gần 50 đầu sách, trong đó có nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp hoặc được xuất bản ở nước ngoài.

Dù ở cương vị nào, Huy Cận cũng luôn tự hào và dành tình cảm cho quê hương Hà Tĩnh. Ngày thơ Việt Nam năm đầu tiên (2003) được tổ chức tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ đã về dự, đánh trống khai hội và phát biểu, đọc thơ. Ông giỏi tiếng Pháp, thông thạo Hán - Nôm, thường xuyên giao tiếp với nhiều ngôn ngữ nhưng ông vẫn nói tiếng quê Ân Phú, giữ giọng điệu dân Xứ Nghệ.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, nhà văn hoá Cù Huy Cận, cùng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, đọc lại những bài thơ của ông , mỗi độc giả lại hiểu thêm về con người giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái và suốt đời vì Đảng, vì dân. Tự hào về ông, mỗi thế hệ hôm nay có thêm động lực để phát huy truyền thống quê hương, không ngừng học tập, rèn luyện, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Nguyễn Thái Hà - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc