Huyện Hương Khê tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em
EmailPrintAa
19:13 31/03/2022

Theo thống kê, huyện Hương Khê có 27.372 trẻ em, chiếm 27,97% tổng dân số, trong đó 13.280 em dưới 6 tuổi, 510 em đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng; 443 em có hoàn cảnh đặc biệt; 2.750 em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 79 em là người dân tộc thiểu số (dân tộc Chứt, Mường, Lào). Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ Huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện.

Lãnh đạo Huyện tham dự Tết Trung thu cùng các em thiếu nhi xã Hà Linh

Trong 10 năm (2012 - 2022), Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành gần 200 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác trẻ em; tổ chức trên 300 hội nghị, buổi tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, trong đó có hơn 200 buổi trực tiếp dành cho các đối tượng là trẻ em; xây dựng, phát sóng 06 phóng sự, 115 chương trình phát thanh, truyền hình về thực hiện quyền trẻ em; hàng trăm tin, bài đăng tải trên Bản tin Hương Khê, cổng/trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em; tuyên truyền phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em, giáo dục kỹ năng cho trẻ và tuyên truyền các gương điển hình người tốt, việc tốt,…

Hằng năm, ngành chức năng phối hợp các địa phương tổ chức tốt các hoạt động Tháng vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày tiêm chủng mở rộng, Ngày vi chất dinh dưỡng trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, các hội thi, hội diễn văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao dành cho trẻ em,... Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và Nhân dân, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn.

Trong đó, nhiều tổ chức, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp, ý nghĩa, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích cho trẻ em trên địa bàn huyện. Đoàn Thanh niên huyện giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng xã hội, định hướng quá trình hình thành nhân cách cho các em từ lứa tuổi nhi đồng bằng các phong trào, cuộc vận động, như: “ Thiếu nhi Hương Khê thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy , Nói lời hay, làm việc tốt”, cuộc thi Hát Quốc ca gắn với hành trình tri ân tại các địa chỉ đỏ; huy động nguồn lực lắp đặt 15 công trình tuyên truyền, cảnh báo tai nạn đuối nước, trị giá 150 triệu đồng; xây dựng 06 nhà “Khăn quàng đỏ”, mỗi nhà 50 triệu đồng cho các gia đình có trẻ em thuộc diện hộ nghèo, nhà ở xuống cấp; thu gom vật liệu để xây dựng 21 khu vui chơi bằng vật liệu tái chế, trị giá trên 200 triệu đặt tại các nhà văn hóa thôn làm nơi vui chơi, giải trí cho trẻ em. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức rà soát, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu 34 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, với mức hỗ trợ từ 3,6 - 6 triệu đồng/năm/cháu,...

Giai đoạn 2012 - 2021, toàn Huyện đã bố trí hơn 10 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách và xã hội hóa để chi cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, với 78.079 lượt trẻ em trên địa bàn huyện được thụ hưởng. Trong đó, trên 6 tỷ đồng để tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, các hoạt động Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán hằng năm; 354,75 triệu đồng để thực hiện Chương trình Sữa cho trẻ em dân tộc thiểu số; 1,276 tỷ đồng từ Quỹ học bổng dài hạn (Zhi Shan) tài trợ học bổng dài hạn và đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo vượt khó học khá, giỏi giai đoạn 2013 - 2020; 757,5 triệu đồng để khám sàng lọc và thăm hỏi trẻ em, trong đó tỷ lệ trẻ em được khám sức khỏe tổng quát ít nhất 0,8 lần/năm và thăm hỏi, hỗ trợ động viên kịp thời 93 em bị thương tích, tử vong do tai nạn tai nạn giao thông, đuối nước,...; 1,270 tỷ đồng để triển khai chương trình phẫu thuật tim cho 34 em bị bệnh tim bẩm sinh; 147,170 triệu đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là các đối tượng f0, f1 trong đại dịch COVID-19,...

Đoàn thanh niên vận động, lắp đặt hệ thống cảnh báo đuối nước, góp phần bảo vệ an toàn cho trẻ em

Đến nay, toàn Huyện có 18/21 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, 21/21 xã, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em; tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non đạt 100%, hoàn thành cấp Tiểu học đạt 100%, hoàn thành cấp Trung học cơ sở đạt 98,83%; trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt 94%; toàn huyện có 0,41% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em, toàn bộ số trẻ em này đều được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; không có trẻ em bị bạo lực, xâm hại; 100% trẻ em được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời khi gặp thiên tai, thảm họa,...

Tuy vậy, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại Hương Khê vẫn còn một số khó khăn. Là huyện miền núi, địa hình chia cắt, nhiều ao, hồ, sông suối, đi lại khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em; điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn lực đầu tư cho công tác trẻ em còn hạn chế, thu nhập của người dân nhìn chung còn thấp, một số hộ chưa có điều kiện để chăm sóc tốt cho con em...

Thời gian tới, Hương Khê tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em - xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược lâu dài. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, trong đó chú trọng đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và toàn xã hội, để mỗi trẻ em được đảm bảo các quyền cơ bản và được phát triển toàn diện.

Kiều Thị Thu Hằng (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hương Khê)


    Ý kiến bạn đọc