Huyện Hương Khê thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
EmailPrintAa
16:26 17/10/2016

Trên địa bàn huyện Hương Khê có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Lào, Mường, Chứt, Hoa), trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số. Toàn huyện có khoảng 30% dân số theo đạo Thiên chúa và một số đồng bào theo đạo Phật. Mỗi dân tộc, tôn giáo đều có những nét văn hóa riêng, thể hiện trong cưới hỏi, ma chay, các ngày lễ, Tết, các món ăn, thói quen sinh hoạt… Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Khê đã tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU ngày 20/3/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và đã đạt được kết quả tích cực.
 
Đám cưới theo nếp sống mới của đoàn viên thanh niên dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên  

Đối với việc cưới, quy định về đăng ký, cấp giấy kết hôn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nhờ tích cực tuyên truyện vận động nên ở các thôn xóm đã xoá được tệ tảo hôn, thách cưới, thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ gia đình trẻ”, “Thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới”... Một số địa phương, nhất là thị trấn Hương Khê, các xã: Phú Phong, Hương Liên, Hương Bình... đã chỉ đạo Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện việc tổ chức đám cưới điểm và nhân rộng nhiều mô hình cưới văn minh, lành mạnh, tiết kiệm. Việc tổ chức ăn uống trong đám cưới có nhiều chuyển biến theo hướng đơn giản, tiết kiệm như: thu hẹp trong nội tộc, bạn bè thân thích; dùng tiệc trà thay cho ăn tiệc; không che rạp cản trở giao thông; cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống dân tộc. Qua 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, toàn huyện có trên 3.000 đám cưới được tổ chức thì có trên 2.000 đám cưới tổ chức tiết kiệm, đạt 75%.

Trong việc tang, chính quyền các cấp ban hành quyết định thành lập Ban Lễ tang có sự tham gia của ban mặt trận, hội người cao tuổi, các đoàn thcủa thôn xóm, đại diện dòng h, nhờ vậy đã hạn chế những hủ tục lạc hậu trái với quy định. Việc báo tang, nghi thức khâm lượm, làm lễ thành phục, việc thăm viếng và đưa tang nhìn chung được tiến hành ngắn gọn, hạn chế vòng hoa, bức trướng; đồng thời hạn chế tối đa việc tổ chức ăn uống linh đình trong các ngày cúng, giỗ. Đa số các địa phương đã mua sắm xe tang, trống, cờ phục vụ tang lễ, gắn quy hoạch nghĩa trang theo tiêu chí nông thôn mới.

Hương Khê có 05 di tích lịch sử cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh, 03 lễ hội truyền thống là Lễ rước sắc Sơn phòng - Hàm Nghi (07 tháng Giêng), Lễ rước sắc Đền Ngàn Trụ (16 tháng Hai âm lịch) thuộc xã Phú Gia; lễ Chăm chơ bơi (cúng cơm mới) của đồng bào dân tộc Chứt. Thời gian qua, các lễ hội truyền thống được tổ chức trọng thể, trong đó có các loại hình văn hóa, trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc như múa hát Sắc bùa, hát ví - gim, chơi đu, nhảy sạp, đẩy gậy, cờ người... góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Hương Khê sẽ đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh; tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên chức về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Bên cạnh đó, tận dụng các nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa cho nhân dân, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của huyện.

                     Trần Phúc Anh - Huyện ủy Hương Khê


    Ý kiến bạn đọc