Huyện Nghi Xuân thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
EmailPrintAa
09:54 18/07/2019

Huyện Nghi Xuân có diện tích trên 22.000 ha, dân số 98.500 người; là địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, trong đó có các di sản văn hóa nổi tiếng, như: Ca trù, chèo Kiều, Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Đền thờ Nguyễn Công Trứ… Thời gian qua, Đảng bộ huyện đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đón Bằng công nhận di tích cấp tỉnh Đền Cô - Đền Cậu (xã Xuân Hội)

Các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hoá được đưa vào Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ khoá XXI nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở; mỗi thôn, tổ dân phố có ban vận động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Ủy ban nhân dân huyện và các phòng, ban, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, thẩm định các tiêu chí, đánh giá xếp loại, tổng kết các phong trào văn hoá gắn với phong trào thi đua hàng năm. Huyện luôn quan tâm chỉ đạo kiện toàn, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá cấp huyện; gắn việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã đi vào cuộc sống và thực chất hơn, chất lượng gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá ngày càng được nâng cao. Huyện Nghi Xuân đã được công nhận là huyện nông thôn mới, 17/17 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 152/165 khu dân cư đạt khu dân cư văn hoá, có trên 26 nghìn hộ gia đình văn hoá, đạt tỷ lệ 91,6%; 10.265 hộ gia đình thể thao, đạt tỷ lệ 36,13%; 100% các xã đã có quy hoạch nghĩa trang được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tích cực, nhất là công tác quản lý hoạt động lễ hội được đảm bảo chặt chẽ, phát huy các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử tốt đẹp, gắn với hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh, văn hoá, con người Nghi Xuân. Các lễ hội truyền thống được khôi phục và tổ chức thực hiện nề nếp đảm bảo nội dung, không để xẩy ra hiện tượng mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội, thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: lễ hội cầu ngư (trò sỹ, nông ,công, thương) tại xã Xuân Thành, lễ hội đền Thánh Mẫu tại xã Xuân Lam, Lễ cầu ngư tại xã Xuân Hội, Xuân Yên, Xuân Liên. Hai năm một lần huyện tổ chức Hội thi tiếng hát dân ca học đường cho 33 trường học thuộc khối Trung học phổ thông, Trung học cơ sở và Tiểu học.

Đến nay, toàn huyện có 240 di tích đã được kiểm kê, 80 di tích được xếp hạng trong đó có 8 di tích cấp Quốc gia, 01 di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du) và 71 di tích cấp tỉnh. Hiện có 106 câu lạc bộ ca trù, chèo kiều và dân ca ví dặm, 165 câu lạc bộ văn nghệ dân gian. Huyện đã phát huy tốt chương trình hành động về bảo tồn các giá trị di sản văn hoá phí vật thể ca trù, dân ca ví, dặm sau khi được UNESCO vinh danh. Năm 2014, tổng diện tích đất dành cho hoạt động văn hoá, thể thao với diện tích trên 222 nghìn m 2 , đến năm 2018 tổng diện tích đất được quy hoạch trên 702 nghìn m 2 , với 165/165 thôn, tổ dân phố có đất phục vụ văn hoá, thể thao, 19/19 xã, thị trấn đã hoàn thành quy hoạch đất dành cho xây dựng các công trình văn hoá, thể thao, khu vui chơi giải trí. Toàn huyện có 165/165 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa và có 289 sân chơi thể thao.

Nhà văn hóa thôn Trường Thanh, xã Xuân Trường

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn có lúc chưa thường xuyên và kịp thời. Đội ngũ làm công tác văn hoá còn thiếu, nhất là cơ sở; công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể hiệu quả chưa cao.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW hiệu quả hơn, thời gian tới, cấp ủy các cấp huyện Nghi Xuân tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến quán triệt Nghị quyết tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ văn hoá thông tin thể thao từ huyện đến cơ sở có trình độ chuyên môn phù hợp với từng ngạch công chức, từng vị trí công tác. Phấn đấu từ 30 - 50% xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, 95% số thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn làng văn hoá trong đó có 50% thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” liên tục 5 năm trở lên. Có 50% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hoá; trên 90% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá trong đó hơn 70% gia đình được công nhận “Gia đình văn hoá” 3 năm liên tục… góp phần xây dựng huyện Nghi Xuân trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hoá.

Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân)


    Ý kiến bạn đọc