Kết nối văn hóa đọc: Định hướng đọc lành mạnh, bổ ích cho thanh thiếu niên
EmailPrintAa
20:15 04/01/2022

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã và đang ảnh hưởng lớn đến thói quen, sở thích, môi trường đọc của thanh thiếu niên. Làm thế nào để giới trẻ lan tỏa văn hóa đọc lành mạnh, bổ ích là điều thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Phân tích việc đọc sách của những người sinh ra trong giai đoạn từ 1997 đến 2006-tương ứng giai đoạn internet có mặt và phát triển ở Việt Nam, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Một thế hệ có thói quen làm nhiều công việc một lúc, với tốc độ và cường độ cao, dẫn đến văn hóa đọc lướt tăng, đọc nghiền ngẫm đi xuống. Thế hệ thanh thiếu niên thời đại internet ở Việt Nam là những công dân số nên có nhiều ảnh hưởng đến thói quen đọc sách. Họ có xu hướng tìm kiếm những thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là con chữ. Vì vậy, chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu liên quan đến chủ đề này để làm cơ sở xây dựng các chính sách khuyến học phù hợp".

Học sinh Hà Nội tham gia Ngày hội đọc sách tại Thư viện quốc gia Việt Nam, tháng 4-2021. Ảnh: THANH TÙNG

Trên thực tế, hai năm qua, tác động của dịch Covid-19 đã khiến không gian giao tiếp và các hoạt động vui chơi giải trí bên ngoài hầu như bị tạm dừng. Để văn hóa đọc không bị gián đoạn, đòi hỏi hoạt động thư viện phải chủ động chuyển đổi số, giúp thanh thiếu niên dễ tiếp cận, đẩy mạnh số hóa tài liệu để các bạn trẻ có thể đọc trực tiếp qua các thiết bị điện tử thông minh. Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đề xuất: “Tôi cho rằng, cần xây dựng một trang web đọc sách trực tuyến sinh động, phong phú và miễn phí cho học sinh. Đây cũng là kho học liệu mà giáo viên và học sinh có thể sử dụng trong quá trình dạy và học. Website này cung cấp bản mềm sách giáo khoa, sách kỹ năng sống, sách nhiều ngôn ngữ, mục giới thiệu sách dưới dạng bài viết hay video... Ngoài ra, cần xây dựng tủ sách/thư viện tại mỗi lớp học. Trang trí không gian xanh cho mỗi góc đọc sách. Tổ chức các sự kiện tại lớp giúp kết nối học sinh với sách, khơi dậy lòng yêu thích đọc sách, tặng “Huy hiệu đọc sách” cho những thành viên tích cực”.

Kết quả một số cuộc khảo sát tại các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực thư viện, văn hóa đọc đều có chung nhận định, xu hướng đọc hiện nay của thanh thiếu niên có nhiều biểu hiện lệch lạc khi thích đọc những nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh; ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, sách công cụ... Việc khơi dậy, nuôi dưỡng, định hướng nhu cầu đọc cho thanh thiếu niên là một yêu cầu cấp bách và cần thiết đối với việc xây dựng một xã hội học tập trong thời đại kỷ nguyên số. Cần đẩy mạnh giáo dục, trang bị các kiến thức, kỹ năng đọc, định hướng xu hướng đọc lành mạnh, bổ ích cho thanh thiếu niên. Tăng cường sản xuất các bộ sách dành riêng cho thanh thiếu niên, tập trung vào các sách về giáo dục kỹ năng, hình thành nhân cách cho thiếu nhi. Để việc đọc sách đạt được hiệu quả cao nhất, con người cần phải chọn sách và đọc sách đúng cách; cần lập hội đồng với các chuyên gia để lựa chọn những cuốn sách hay mà bạn đọc trẻ cần, đồng thời có các giờ học, khóa học hướng dẫn về kỹ năng đọc; sử dụng công nghệ hỗ trợ cho việc đọc, sử dụng thư viện sách nói giúp đọc sách mọi lúc mọi nơi.

Nguồn: Thanh Thúy/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/ket-noi-van-hoa-doc-dinh-huong-doc-lanh-manh-bo-ich-cho-thanh-thieu-nien-682393 )


    Ý kiến bạn đọc