Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ
EmailPrintAa
08:05 09/08/2024

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, phải khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Phải lan tỏa các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng tới bạn bè quốc tế - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Sáng nay, 8/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Đảng Đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành dự cuộc làm việc.

Tiếp tục đổi mới tư duy nghệ thuật, mở rộng đề tài, chủ đề, biên độ sáng tạo

Báo cáo về tình hình hoạt động VHNT và phương hướng thời gian tới, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho biết, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương chủ động, sáng tạo, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt về hoạt động chuyên ngành, triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, rộng khắp.

"Các hoạt động này tổ chức theo hướng tập trung nâng cao chất lượng tác phẩm, có sự cải tiến, đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ", ông Đỗ Hồng Quân nói. Các hội VHNT các tỉnh, thành phố nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả khá toàn diện.

Trong các năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực trong sáng tác, vận động, tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật, tham gia chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân, đóng góp vào những thành quả chung, quan trọng của đất nước.

Văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tạo lập bầu không khí lành mạnh trong xã hội. Đội ngũ văn nghệ sĩ đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với văn hoá dân tộc, khao khát đổi mới để cống hiến có hiệu quả.

Về phương hướng thời gian tới, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định, "xây dựng liên hiệp hội, các hội VHNT chuyên ngành phát triển vững mạnh". Đẩy mạnh sáng tác, sáng tạo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động của liên hiệp hội và các hội VHNT. Tiếp tục đổi mới tư duy nghệ thuật, mở rộng đề tài, chủ đề, biên độ sáng tạo; quan tâm tính chuyên nghiệp để có nhiều tác phẩm kết tinh tài năng tâm huyết, có sức khái quát cao về sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Tại cuộc làm việc, các ý kiến của Liên hiệp Hội đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa trong công tác thể chế hóa thành cơ chế chính sách cụ thể. Xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách, coi trọng công tác tổng kết thực tiễn; chú ý đúng mức đến tính chất đặc thù của VHNT; khuyến khích những ý tưởng mới, những cách làm hay, sáng tạo.

Các ý kiến bày tỏ sự quan tâm lớn đến vấn đề nguồn nhân lực cho VHNT. Trong đó, có nhiều đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa về công tác đầu tư nguồn nhân lực cho đội ngũ sáng tác VHNT bằng cơ chế đặc thù, để tiếp nối thế hệ tài năng cho VHNT nhằm khôi phục dần sự khủng hoảng về đội ngũ sáng tạo của VHNT. Đặc biệt là công tác lý luận phê bình - là công tác định hướng thẩm mỹ cho hoạt động VHNT, cho độc giả cho người thưởng thức nghệ thuật. Thực tế hiện nay, các chuyên gia "có nghề" đã cao tuổi và trong nhiều năm qua, các trường nghệ thuật không tuyển được sinh viên theo học nghề này.

Chuyển đổi tư duy quản lý nhà nước về văn hóa

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong thời gian tới, các giải pháp khơi thông cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng, thực hiện vì sự phát triển của VHNT Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, Bộ VHTT&DL đã chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Tư duy này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là tư duy đúng, trúng và kịp thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong thúc đẩy phát triển của văn hóa. Bộ VHTT&DL quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật bằng công cụ pháp luật; có sự điều tiết hợp lý, hài hòa. Bộ cũng đang nỗ lực giải quyết bài toán phát huy tính sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật, nhưng vẫn tuân theo các quy định pháp luật hiện hành.

Về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng nhận định phải xác định rõ Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp thực hiện và văn nghệ sĩ giữ vai trò là những người sáng tạo.

Toàn cảnh cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Tại cuộc làm việc, ghi nhận các ý kiến của Liên hiệp Hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chia sẻ với các khó khăn của giới văn nghệ sĩ. Phó Thủ tướng nêu rõ, vị thế, vai trò của VHNT trong đời sống xã hội tiếp tục được khẳng định, đã được đề ra trong Nghị quyết số 23-NQ/TW và tiếp tục được khẳng định trong Kết luận 84-KL/TW của Bộ Chính trị.

Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trên tinh thần bám sát Nghị quyết 23, Kết luận 84, trong đó, coi VHNT là bộ phận tinh tế của văn hoá. Tăng cường đầu tư phát triển VHNT, chủ yếu tập trung cho các chương trình, dự án trọng điểm, có cơ chế hỗ trợ cho các hoạt động khác nhưng không dàn trải. Đồng thời với đó, rất cần sự cố gắng của các văn nghệ sĩ để có tác phẩm để đời. Phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó có thu hút, huy động nguồn lực xã hội hóa.

Quan tâm hơn nữa đến đời sống văn nghệ sĩ

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những kết quả Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các hội VHNT chuyên ngành Trung ương đã đạt được trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam.

Trong giai đoạn tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị phải quán triệt sâu sắc những nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa nói chung và VHNT nói riêng đến các cấp, đơn vị. Từ đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, nhân dân; bác bỏ những quan điểm sai trái của thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhưng vẫn tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Các đại biểu thuộc Liên hiệp các Hội VHNT phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng, phát triển VHNT; quan tâm hơn nữa đến đời sống văn nghệ sĩ; phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Việc đầu tư cho VHNT phải tránh dàn trải, có sự phân bổ hợp lý; chú trọng đến cơ sở hạ tầng để nâng tầm vị thế đất nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của nhân dân. Công tác xã hội hóa trong VHNT cần được quan tâm theo hướng hoàn thiện các chính sách.

Ngoài ra, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các hội VHNT chuyên ngành Trung ương cần phát huy vai trò trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo điều lệ và tham gia cùng các cơ quan quản lý trong xây dựng hệ thống pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong phát triển VHNT; nỗ lực đóng góp vào hoàn thiện cơ chế, chính sách. Các giải pháp đưa ra phải đảm bảo tính khả thi, đồng bộ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, văn hóa, VHNT cũng phải thể hiện sự chủ động hội nhập; có giải pháp lan tỏa các tác phẩm VHNT về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm chất lượng đến bạn bè quốc tế. Thông qua các tác phẩm, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam; giúp nhân dân các nước hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam.

Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn

(https://baochinhphu.vn/khoi-day-phat-huy-manh-me-khat-vong-cong-hien-nang-luc-sang-tao-cua-van-nghe-si-102240808172431507.htm)


    Ý kiến bạn đọc