Không sợ thiếu…
EmailPrintAa
16:00 06/03/2020

Phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công, chiều 4-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công. Ảnh: Chinhphu.vn

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quán triệt phương châm trên trong giải quyết các chế độ, chính sách. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công vẫn còn những hạn chế, bất cập mà rõ nhất là mức tiền lương, tiền công chưa thực sự phù hợp với đóng góp công sức, trí tuệ, hiệu quả lao động của từng đối tượng; vẫn còn hiện tượng cào bằng, thậm chí là làm ít-hưởng nhiều... Việc tăng lương hưu theo tỷ lệ phần trăm nghe có vẻ hợp lý nhưng càng gia tăng chênh lệch giữa người lương cao với người lương thấp. Tình trạng làm hồ sơ giả để hưởng các chính sách ưu đãi cũng rất đáng báo động…

Vẫn biết rằng không thể có sự công bằng tuyệt đối, nhưng với những gì chúng ta đã nhận biết rõ thì cần có sự điều chỉnh kịp thời, bởi chế độ, chính sách đúng sẽ là động lực của sự phát triển (và ngược lại). Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng/ Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên” chính là vì lẽ đó.

Để có thể cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là phải giảm biên chế, cải cách các đơn vị sự nghiệp công lập, cân đối được bài toán ngân sách và xây dựng thang bảng lương phản ánh đúng mức độ phức tạp của vị trí việc làm; rà soát, xử lý nghiêm những vi phạm nhằm trục lợi chế độ, chính sách... Tuy những chủ trương này đã có từ vài năm nhưng việc triển khai thực hiện vẫn chậm chạp, thiếu quyết liệt mà nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý ngại va chạm, nể nang, thiên vị trong từng ngành, lĩnh vực.

Những sai sót, bất cập, nhất là sự mất công bằng nếu chậm khắc phục, để dây dưa kéo dài sẽ gây hại vô cùng, bởi không những làm mất động lực phấn đấu đưa đất nước phát triển mà còn dẫn đến lòng dân không yên. Vì thế, đã đến lúc tất cả các cấp, các ngành phải thực sự quyết liệt trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI và khóa XII) về tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, cải cách chính sách tiền lương, BHXH...; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16-8-2018 của Chính phủ. Xử lý trách nhiệm nghiêm khắc nếu người đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương còn chần chừ, thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện các nghị quyết này bởi như thế là cố tình kéo dài những bất cập, mất công bằng, cản trở sự phát triển.

Rộng hơn, để "yên dân" và hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì phương châm “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, đó là yếu tố khách quan, phải được quán triệt như nguyên tắc cơ bản hàng đầu trong giải quyết mọi công việc.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc