Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội sáng 31/5. (Ảnh: DUY LINH)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 , sáng 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Nghiên cứu triển khai quỹ dự phòng an sinh xã hội
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) bày tỏ nhất trí và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ. Quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội, đại biểu cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính…
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu cho rằng điều này đã gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động. “Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất, bởi khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động…
Hơn nữa, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, họ còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…
Đại biểu băn khoăn, nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hằng tháng, trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Ngừng việc hay đình công có xảy ra hay không? Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa, bởi điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự phiên họp sáng 31/5. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu nhấn mạnh, tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc cần thiết tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, người làm chính sách cần đặt người lao động vào trung tâm của chính sách và lấy quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng hiệu quả của chính sách khi đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung kiến nghị cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, ứng phó với những rủi ro đột ngột, đồng thời góp phần giảm tải cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Cũng quan tâm đến vấn đề lao động, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho biết, hiện nay Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Điều này Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân thất nghiệp thành ba loại chính: Thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra do quy luật cung cầu trên thị trường.
Thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển giáo dục, phòng, chống bạo lực học đường
Phát biểu thảo luận ở hội trường, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) bày tỏ thống nhất với báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước do Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: DUY LINH)
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế kinh tế-xã hội đang đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có ngành giáo dục. Đại biểu chỉ rõ thực trạng khó nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, có diện tích phòng nhỏ, không bảo đảm các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm, tình trạng thừa thiếu giáo viên ở cấp giáo dục phổ thông…
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, cho rằng vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng đang ngày càng tăng lên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phải có chính sách và tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.
Đặc biệt, trong Tháng hành động vì trẻ em hằng năm và năm 2023 này, đại biểu đề nghị các cấp, các ngành phải có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn được thực trạng trên.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng cho rằng tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biến phức tạp hiện nay. Đại biểu phân tích rằng, nguyên nhân của tình trạng này là trẻ muốn nhận được nhiều sự chú ý hơn, vì vậy, môi trường giáo dục cần đáp ứng nhu cầu này của các em.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu cho rằng, trẻ em mỗi cháu đều có năng lực, năng khiếu ở một số bộ môn, lĩnh vực, môi trường giáo dục cần tạo điều kiện để công nhận, khuyến khích năng lực cá nhân đó của mỗi trẻ em.
Ngành giáo dục cần có cơ chế để các em có cơ hội, dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm, được xuất hiện mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường để thể hiện bản thân, được hòa nhập với các bạn, thỏa mãn nhu cầu được công nhận, để các em không có xu hướng sử dụng bạo lực trong môi trường học đường. Điều này cũng giúp các em có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông mà hiện nay học sinh, sinh viên còn đang thiếu.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng cần có sự phân định rõ ràng trách nhiệm của gia đình, nhà trường đối với trẻ em. Đại biểu cho biết, trong môi trường học đường, các thầy cô có kỹ năng sư phạm và công bằng hơn đối với tất cả học sinh, nên cần ưu tiên dạy điều hay lẽ phải, để trẻ có suy nghĩ, lối sống, sinh hoạt hằng ngày chuẩn mực.
Về phía cha mẹ, cần tập trung chăm sóc, làm gương tốt cho con, theo dõi, nhắc nhở các con thực hiện những gì thầy cô đã dạy. Giữa nhà trường và gia đình cần có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ để trẻ được phát triển toàn diện.
Nguồn: TRUNG HƯNG/nhandan.vn
( https://nhandan.vn/kien-nghi-nhung-quyet-sach-thiet-thuc-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-post755391.html )
Tin mới cập nhật
- Khai mạc Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ( 26/12)
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)