Làm gì để di sản văn hóa đóng góp cho phát triển bền vững
EmailPrintAa
17:17 28/12/2021

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, di sản văn hóa (DSVH) cùng với các ngành công nghiệp sáng tạo, ngành du lịch văn hóa ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách quốc gia. Để DSVH thực sự trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp được xem là yếu tố then chốt.

Những bước tiến quan trọng

Việt Nam có kho tàng DSVH vô cùng phong phú, đa dạng, gồm DSVH vật thể, DSVH phi vật thể và di sản tư liệu. Nhìn lại 35 năm đổi mới đất nước, cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH đã có những bước tiến quan trọng, từ quan điểm, nhận thức, hệ thống văn bản pháp lý; cơ chế, chính sách; thanh tra, kiểm tra; hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực... Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản bao gồm tất cả các lĩnh vực như: Di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; bảo tàng; DSVH phi vật thể; di sản tư liệu... đã có những thành tích đáng ghi nhận.

Giới thiệu với du khách về Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội).Ảnh: TOÀN LINH

DSVH ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và xã hội. Từ khi có Luật DSVH năm 2001 đến nay, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách nhà nước đã đầu tư cho chống xuống cấp là 3.524 tỷ đồng (chưa kể các di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới). Bên cạnh đó, với sự ra đời của 58 bảo tàng ngoài công lập từ khi có Luật DSVH 2001, việc thành lập Hội DSVH Việt Nam và sự kiện Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg ngày 24-2-2005 về việc lấy ngày 23-11 hằng năm là Ngày DSVH Việt Nam, đã tạo cơ hội để tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc.

Nhiều DSVH ở Việt Nam, bên cạnh việc bảo vệ, giữ gìn vốn quý do cha ông để lại, đã và đang trở thành nguồn lực thực sự cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Các di tích lịch sử-văn hóa, nhờ được bảo tồn, tôn tạo trong một quy hoạch tổng thể, gắn kết giữa DSVH và du lịch mà trở thành hàng hóa, thậm chí là hàng hóa có giá trị kinh tế đặc biệt. Nguồn lợi kinh tế thu được hằng năm qua hoạt động văn hóa-du lịch tại các DSVH và thiên nhiên thế giới đạt mức hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn như khu phố cổ Hội An, di sản đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục DSVH thế giới đã có những thay đổi tích cực.

DSVH Hội An đã trở thành “thương hiệu du lịch”, điểm đến khá hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, góp phần đắc lực vào sự phát triển ngành kinh tế du lịch-dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân-chủ di tích, đồng thời tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích; trở thành nền tảng, hành trang để Hội An vững bước đi lên xây dựng phát triển kinh tế-xã hội. Quần thể di tích Cố đô Huế và vịnh Hạ Long khi mới được ghi danh DSVH và thiên nhiên thế giới mỗi năm chỉ có vài chục nghìn lượt người thăm, đến nay con số này đã lên đến hàng triệu lượt. Tương tự, các làn điệu dân ca, khi được vật thể hóa nhờ các băng hình, đĩa nhạc; các bí quyết nghề nghiệp và bàn tay khéo léo của thợ thủ công Việt Nam được thể hiện và phát huy trong việc sản xuất các mặt hàng thủ công-mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu... đã và đang có hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Khắc phục ngay những hạn chế, bất cập

Tiềm năng là vậy, song, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, cũng còn những hạn chế, bất cập. Công tác trùng tu và bảo vệ các DSVH bị hạn chế bởi kinh phí cũng như vướng các thủ tục hành chính. Bảo tồn và phát huy các DSVH còn chưa tương xứng với giá trị, tầm vóc của di sản. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực DSVH còn mỏng; nhiệm vụ kiểm kê di tích, quy hoạch khảo cổ, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ và chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới vẫn còn xảy ra sai phạm. Công tác xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH chưa tương xứng với tiềm năng của xã hội. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực này chủ yếu đến từ phản ánh, kiến nghị của báo chí và người dân...

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nói trên có nhiều, nhưng có thể tập trung ở những nguyên nhân chính: Hệ thống pháp luật về DSVH còn thiếu đồng bộ, một số nội dung còn chồng chéo với các luật khác, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; còn có nhiều lúng túng trong việc giải quyết giữa bảo tồn DSVH và phát triển kinh tế-xã hội, giữa lợi ích trước mắt và sự phát triển bền vững; việc quảng bá DSVH hiệu quả chưa cao, lợi ích kinh tế từ DSVH còn khiêm tốn...

Để giải quyết những bất cập trên, thiết nghĩ, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với DSVH. Bảo vệ DSVH phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH thật sự tâm huyết, có trình độ, năng lực chuyên môn... Các địa phương cần kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại tới DSVH. Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh của các tổ chức xã hội thông qua việc mạnh dạn giao cho tổ chức, thực hiện các đề tài, dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng chuyên môn cũng như các quy định khác.

Nguồn: PGS, TS ĐỖ VĂN TRỤ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/lam-gi-de-di-san-van-hoa-dong-gop-cho-phat-trien-ben-vung-681731 )


    Ý kiến bạn đọc