Ban tổ chức họp báo giới thiệu Liên hoan tiếng hát người cao tuổi toàn quốc.
Với thông điệp: “ Người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc”, trong tháng 8 và tháng 9-2023, liên hoan đã tổ chức cấp khu vực tại các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu; chọn ra 19 đội vào vòng chung kết toàn quốc. Theo đó, vòng thi chung kết toàn quốc diễn ra các ngày 26 và 27-10 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội); Lễ tổng kết và trao giải diễn ra vào 20 giờ, ngày 28-10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Phát biểu tại họp báo, ông Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, đây là chương trình văn hóa, văn nghệ quần chúng có quy mô toàn quốc đã được tổ chức từ các xã, cấp huyện, cấp tỉnh (thành phố), cấp khu vực và cấp toàn quốc. Qua mỗi cấp, Ban tổ chức nhận thấy rõ đây là một hoạt động bổ ích khích lệ, động viên người cao tuổi tích cực tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” tại cộng đồng; tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc; tích cực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tiết mục thi của quận Ba Đình tại vòng chung khảo Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi TP Hà Nội năm 2023.
Theo bà Vi Thanh Hoài, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó trưởng Ban giám khảo, chương trình dự thi của các đội khá phong phú, hấp dẫn, được dàn dựng quy mô, công phu. Nhiều đội đã phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương khi đưa lên sân khấu những hoạt cảnh, ca kịch ngắn, sân khấu hóa ca múa nhạc để nêu bật đời sống văn hóa tinh thần của người cao tuổi cũng như bản sắc văn hóa của người dân địa phương mình sinh sống; đặc biệt các đội đã thể hiện các tiết mục dân ca , dân vũ đặc trưng của địa phương để lan tỏa giá trị văn hóa trong liên hoan.
Các đoàn tham gia liên hoan biểu diễn 1 chương trình nghệ thuật; lựa chọn 1 hoặc trong 2 thể loại hoặc có thể kết hợp cả 2 thể loại trong một chương trình: Ca, đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hợp ca (tùy theo tiết mục có thể sử dụng múa phụ họa); ca cảnh (dựa trên chất liệu dân ca truyền thống). Mỗi đoàn xây dựng chương trình và biểu diễn với thời lượng không quá 25 phút.
Nguồn: HÀ ANH/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)