Mạch học không thể ngắt quãng
EmailPrintAa
15:39 31/08/2020

Ngày mai đã là 1-9. Lẽ ra, chỉ còn 5 ngày nữa, trên mảnh đất thân yêu hình chữ S này, học sinh cả nước sẽ tưng bừng, phấn khởi bước vào năm học mới với Lễ khai giảng đong đầy những kỷ niệm, dấu ấn. Thế nhưng, virus SARS-CoV-2 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngày tựu trường.

Trên toàn cầu cũng vậy, việc hầu hết các nước trên thế giới thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 làm hàng tỷ học sinh, sinh viên không thể tới trường trong thời gian dài và khiến thế giới đối mặt với "thảm họa thế hệ", như cảnh báo của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và nhiều nhà lãnh đạo, cựu lãnh đạo thế giới. Các nhà lãnh đạo kêu gọi toàn cầu cần hành động ngay để ngăn chặn nguy cơ hình thành một "thế hệ Covid". Lời kêu gọi nhấn mạnh: Học sinh cần phải được trở lại trường học an toàn là "ưu tiên hàng đầu". Mạch học không thể ngắt quãng.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Theo số liệu của Liên hợp quốc, tính đến giữa tháng 8-2020, khoảng 160 quốc gia đã phải đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ học sinh; hàng chục triệu trẻ em bị nhỡ khóa học mầm non; 9,7 triệu trẻ em nằm trong tình trạng khẩn cấp, có nguy cơ không bao giờ quay lại lớp.

Thời gian qua cho thấy, cách học trực tuyến trợ giúp học sinh rất tốt, nhưng chất lượng thì vẫn là điều đáng bàn. Mặt khác, việc phải học trực tuyến quá lâu cũng ảnh hưởng lớn đến tinh thần và thể chất của học sinh. Ngoài ra, ở những khu vực nghèo khó, vùng sâu, trẻ em không đủ điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để học tập trực tuyến khiến khó hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản. Bởi vậy, vấn đề cấp bách đặt ra đối với toàn xã hội là cần có những giải pháp phù hợp, bảo đảm các em vừa có thể đến trường học tập trong điều kiện bình thường, vừa phòng, chống dịch (PCD) hiệu quả.

Một chiến lược PCD hiệu quả và bền vững sẽ giúp duy trì hoạt động kinh tế, du lịch hay giáo dục... trong trạng thái cảnh giác cao độ. Phòng dịch chặt chẽ không có nghĩa là ngăn sông, cấm chợ hay đóng cửa trường học. Thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ diễn biến tình hình dịch để quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp PCD phù hợp; kiên quyết nhưng đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, trong đó có việc học sinh tới trường. Không để đứt gãy nền kinh tế, ngắt mạch học trên phạm vi toàn quốc. Riêng ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần thực hiện tốt các biện pháp PCD theo quy định của Bộ Y tế. "Không run sợ, không quá lo lắng, nhưng không được chủ quan”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trên tinh thần chủ động, nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... đã tổ chức xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết những người từ các khu vực đang là "điểm nóng" về dịch bệnh để sàng lọc sớm nhất, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, với mục tiêu cao nhất là địa phương an toàn, đón học sinh mọi cấp trở lại học tập bình thường trong năm học mới.

Hơn 21 triệu học sinh, sinh viên của chúng ta từng bị gián đoạn học tập. Chúng ta đã hiểu cái giá phải trả khi mạch học tập bị ngắt quãng. Truyền thống hiếu học của dân tộc ta đã được chứng minh qua hàng nghìn năm. Trong mọi hoàn cảnh, dù phải đội mũ rơm tránh bom đạn của giặc, dù phải đào hầm để có lớp học, dù phải ăn đói... thì việc học chưa từng bị sao nhãng. Giờ đây, trách nhiệm của mỗi cơ quan, địa phương là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em đến trường, chứ không phải thấy khó là đề xuất cho nghỉ ở nhà. Đến trường, ngoài học kiến thức, gặp bạn bè cũng giúp trẻ giải tỏa tâm lý, phát triển toàn diện. Vì thế, mọi phương án học tập mùa dịch cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tạo điều kiện tối đa cho các em trở lại trường học, không để trẻ em không được đi học vì dịch Covid-19.

Nguồn: Nguyễn Hòa/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mach-hoc-khong-the-ngat-quang-633541 )


    Ý kiến bạn đọc