Môi trường giáo dục an toàn cho trẻ thơ
EmailPrintAa
16:27 29/11/2017

Trẻ em được ví như mầm non, măng non, thiên thần… Nhưng những mầm non, măng non, thiên thần ấy có phát triển lành mạnh về thể chất, tinh thần hay không thì các em không những được thụ hưởng một chế độ chăm sóc khoa học về dinh dưỡng, giấc ngủ, vệ sinh, sức khỏe mà còn phải được bao bọc, che chở trong tình thương yêu của cha mẹ, gia đình...

Trong vòng một tuần xảy ra hai vụ bạo lực trẻ em liên tiếp khiến dư luận bàng hoàng. Đó là một phụ nữ giúp việc có hành vi bạo hành một bé gái chưa đầy hai tháng tuổi ở phường Quang Trung, TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) và một số cô giáo đánh đập trẻ nhỏ ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh). Chứng kiến vụ việc bạo hành được camera ghi lại, không chỉ các bậc phụ huynh mà đại diện lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đều lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ về tính chất, mức độ, hậu quả mà các vụ bạo hành này gây ra đối với trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa/ Đắk Nông Online.

Mấy năm gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ nhỏ, thậm chí có một vài trẻ em đã bị chết oan vì sặc cháo thường xảy ra ở các cơ sở mầm non tư thục, nhóm giữ trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập. Những vụ bạo lực này có điểm chung là hầu hết các bảo mẫu, giáo viên có hành vi sai phạm đều chưa được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm mầm non, thiếu kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ; có người do trình độ văn hóa hạn chế, chưa có kiến thức, kỹ năng làm mẹ cũng vào làm việc ở các cơ sở giáo dục này. Điều đáng nói hơn, phần lớn trẻ nhỏ bị bạo hành thường là con công nhân, lao động nghèo ở các khu công nghiệp không có điều kiện gửi con mình vào các cơ sở mầm non uy tín, chất lượng cao.

Các vụ bạo hành trẻ em chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo luật định. Tuy vậy, vấn đề cả xã hội quan tâm và các gia đình mong muốn là làm thế nào để ngăn ngừa không cho những vụ hành hạ trẻ em tương tự xảy ra. Muốn vậy, việc cần làm hiện nay là các địa phương phải sớm vào cuộc rà soát, kiểm tra các nhóm giữ trẻ độc lập, các cơ sở mầm non tư thục, kiên quyết đóng cửa đối với những cơ sở không đạt chuẩn theo điều lệ giáo dục mầm non; chủ động thanh lọc đối với các bảo mẫu thiếu kiến thức, trình độ, kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc trẻ nhỏ. Ví như tại TP Hồ Chí Minh, do dân số đông, nhất là dân số cơ học gia tăng nhanh chóng, nhu cầu gửi trẻ rất lớn khiến địa phương này “nở rộ” hơn 1.800 lớp mầm non tư thục với hàng nghìn cô nuôi dạy trẻ. Nếu làm tốt công tác quản lý cấp phép cũng như giám sát, thanh tra, sàng lọc, chắc chắn sẽ không để “lọt sàng” những cơ sở mầm non tư thục như Mầm Xanh và những “bảo mẫu” vô lương ở lớp mầm non này.

Trẻ em được ví như mầm non, măng non, thiên thần… Nhưng những mầm non, măng non, thiên thần ấy có phát triển lành mạnh về thể chất, tinh thần hay không thì các em không những được thụ hưởng một chế độ chăm sóc khoa học về dinh dưỡng, giấc ngủ, vệ sinh, sức khỏe mà còn phải được bao bọc, che chở trong tình thương yêu của cha mẹ, gia đình, giáo viên và được “thiết lập vành đai an toàn” từ trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội. Hay nói cách khác, các trẻ nhỏ phải được sống trong một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Đó là môi trường giáo dục mà các em được bảo vệ, tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; không bị tổn hại về thể chất và tinh thần, không bị bạo lực. Đây cũng là mục tiêu đặt ra khi Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 “Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường”.

Cần nhìn nhận thấu đáo rằng, không giống như những giáo viên từ bậc tiểu học trở lên, đội ngũ giáo viên mầm non, nhất là các cô nuôi dạy trẻ thường bị áp lực trong nghề nghiệp bởi trẻ nhỏ rất ngộ nghĩnh, hiếu động do chưa có ý thức làm chủ bản thân. Vì vậy, để hạn chế, phòng tránh những vụ bạo hành trẻ nhỏ, chính các cô giáo phải thường xuyên được tập huấn, giáo dục, bồi đắp kỹ năng xử lý các tình huống với trẻ em thông qua công tác tham vấn tâm lý học đường. Vì ngoài trình độ, kỹ năng sư phạm, khi được tham vấn, can thiệp tâm lý kịp thời, các cô nuôi dạy trẻ sẽ giảm bớt những căng thẳng, tự mình kiểm soát được thái độ, hành vi để ứng xử bình tĩnh, chín chắn, đúng mực, thân thiện với trẻ nhỏ.

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc