Một số kết quả về đổi mới giáo dục và đào tạo
EmailPrintAa
11:04 08/10/2018

Thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 20/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo”, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực.

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của Trường THPT Nguyễn Trung Thiên (huyện Thạch Hà)

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động đổi mới giáo dục theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, các phương pháp dạy học, hình thức đào tạo phù hợp với từng cấp học, bậc học; chỉ đạo các trường đưa bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” vào giảng dạy từ lớp 2 đến lớp 12.

Đối với giáo dục mầm non, các trường xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tạo hứng thú cho trẻ, sử dụng đồ chơi kỹ thuật và công nghệ mới phù hợp nhằm giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo; kết hợp giữa chăm sóc và giáo dục hình thành nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ. Giáo dục tiểu học triển khai đại trà phương pháp “Bàn tay nặn bột”; đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT, ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần giảm áp lực, khuyến khích học sinh học tập. Để nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đã vận dụng các hình thức, phương pháp dạy học tiên tiến như: Dạy học giải quyết vấn đề, dạy học tìm tòi nghiên cứu, dạy học theo dự án, dạy học tích hợp; tăng cường thực hành, thí nghiệm, vận dụng thí nghiệm ảo, mô phỏng trong dạy học đối với các môn khoa học tự nhiên… Việc dạy ngoại ngữ, tin học đổi mới theo hướng chuẩn hóa, thiết thực. Một số trường tổ chức hoạt động ngoại khóa và mời giáo viên tiếng Anh bản ngữ về giảng dạy, chú trọng rèn luyện kỹ năng nghe và nói cho học sinh; đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu ngoại ngữ. Về thi học sinh giỏi tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi theo hướng coi trọng năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn.

Nhờ vậy, chất lượng đại trà giáo dục phổ thông của tỉnh những năm qua được giữ vững; giáo dục mũi nhọn đạt thành tích cao, tăng cả về chất lượng và số lượng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hàng năm trên 98%; tỷ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng hàng năm đạt trên 50% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều em đạt điểm tuyệt đối các môn thi, thủ khoa các trường Đại học. Tính từ năm 2012 đến nay, Hà Tĩnh có 04 huy chương Quốc tế; 464 lượt học sinh đạt giải học sinh gỏi cấp quốc gia, thuộc tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc.

Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông quan tâm hướng nghiệp cho học sinh. Trường Đại học Hà Tĩnh và các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đa dạng phương pháp dạy học, coi trọng cách thức tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, học viên; đa dạng hóa các loại hình và phương thức đào tạo nghề; phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất để truyền nghề, kèm nghề để phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Hà Tĩnh và các trường cao đẳng, trung cấp nghề có việc làm ngày càng tăng.

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo vẫn còn một số khó khăn, hạn chế do chương trình còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng thực hành, thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Một số trường học, giáo viên có tư tưởng ngại khó, ngại đổi mới; cơ sở vật chất xuống cấp, các phòng chức năng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; huy động đóng góp của xã hội cho giáo dục còn hạn chế.

Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tập trung thực hiện đổi mới chương trình giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khuyến khích tự học, tự phát triển năng lực. Tổ chức các hình thức học tập đa dạng; quan tâm tổ chức các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học. Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, đảm bảo trung thực, khách quan. Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới từ năm học 2019 - 2020. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động nhiều nguồn lực xã hội, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục.

Nguyễn Thị Như Ngọc - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc