Nâng cao nhận thức để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
EmailPrintAa
17:28 30/05/2018

Theo số liệu thống kê của UNICEF năm 2017, hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24. Trong khi đó, đa số trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%).

Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Trước thực trạng đáng báo động về sự thiếu an toàn của môi trường mạng nếu không được sử dụng đúng cách, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ngày càng trở nên cấp bách.

Nhiều hệ lụy trên môi trường mạng

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, những năm gần đây, Chính phủ, xã hội, doanh nghiệp và người lao động rất quan tâm đến vấn đề Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có vấn đề liên quan đến công nghệ số. Cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em trên môi trường mạng cũng như trên thế giới công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách hiện nay.

Trẻ em cần được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.

Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, bên cạnh những lợi ích mà môi trường mạng mang đến cho trẻ em thì đi kèm theo đó là một loạt tiêu cực tác động đến trẻ em như: Thông tin liên quan đến bạo lực tình dục trái với thuần phong mĩ tục, không phù hợp đến lứa tuổi phát triển của trẻ em; hội chứng nghiện mạng, nghiện game của thanh thiếu niên (căn bệnh đang được cảnh báo ở nhiều quốc gia trên thế giới); vấn đề trẻ em bị bóc lột, bị bạo lực trên môi trường mạng như tiết lộ bí mật đời sống riêng tư trên môi trường mạng; xâm hại trẻ em (bạo lực tình dục) trên môi trường mạng…

Em Hà Thị Quỳnh Trang, Trường THCS thị trấn Thanh Ba 1, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Môi trường mạng mang đến cho em nhiều cơ hội học hỏi, giao lưu, trao đổi kiến thức, nhưng cũng khiến em và các bạn phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị tác động xấu dẫn đến vi phạm đạo đức học sinh, ảnh hưởng đến quá trình học tập, phát triển.

Bắt đầu từ nâng cao nhận thức

Rõ ràng câu chuyện về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là cần thiết khi theo các chuyên gia, trẻ em là nhóm phải đối mặt với nhiều loại rủi ro trên mạng nhất.

Trao đổi về kinh nghiệm thế giới trong việc giảm thiểu rủi ro của trẻ em trên môi trường mạng, ông Nguyễn Sơn Tùng, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay có 2 giải pháp, đó là giải pháp về quản lý nhà nước và giải pháp cho gia đình.

Theo đó, về giải pháp quản lý nhà nước sẽ có 3 nội dung chính là: Quy định đối với nhà cung cấp dịch vụ; cung cấp kênh thông tin về bảo vệ trẻ em trên mạng; tuyên truyền ứng dụng kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro của trẻ em trên mạng.

Các em nhỏ ký cam kết bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Còn về giải pháp cho gia đình có các phương pháp chính là: Để các thiết bị truy cập Internet ở vị trí ít có thể truy cập được; kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hành và trình duyệt web; thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em; cha mẹ và nhà trường cần hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng internet an toàn đồng thời lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng internet…

Trong buổi lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, vừa được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ, nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh cũng chia sẻ cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng. Khi rõ ràng gia đình và nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác này. Chị Đinh Mai Hoa (Việt Trì, Phú Thọ), phụ huynh của một cháu nhỏ 5 tuổi và một cháu nhỏ 10 tuổi thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay, phần đa các bậc phụ huynh đều cho con tiếp cận mạng xã hội thông qua các thiết bị như máy tính, điện thoại di động. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng ý thức được những rủi ro mà mạng xã hội có thể đem đến cho con em mình. Hầu hết phụ huynh đang "bỏ rơi" con em mình trên mạng xã hội. Việc nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh là vô cùng cần thiết khi thời gian tiếp cận với mạng xã hội của trẻ tại nhà rất lớn.

Em Nguyễn Phương Anh (Trường THCS thị trấn Thanh Ba 1, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, em cũng như các bạn học sinh khác rất mong sẽ có những tiết học về bảo vệ trẻ em an toàn trong môi trường mạng trên lớp, cũng như mong muốn bố mẹ sẽ dành thêm nhiều thời gian để cùng con tìm hiểu những thông tin hữu ích trên mạng, loại bỏ những thông tin xấu độc, điều mà hầu hết các bậc cha mẹ vẫn chưa dành thời gian quan tâm.

Có thể nói, bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng không phải là việc của riêng ai. Đây là công việc đòi hỏi sự vào cuộc từ cấp Nhà nước, bộ, ngành cho đến sự thay đổi nhận thức trong chính mỗi em nhỏ cũng như gia đình, nhà trường. Có như thế, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 mới mang lại những giá trị tích cực với trẻ em.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc