Nâng đỡ tinh thần học sinh
EmailPrintAa
15:33 18/01/2018

Trong xã hội hiện đại, tưởng như đời sống vật chất và văn hóa ngày càng phát triển thì giới trẻ nói chung, học sinh nói riêng sẽ được hưởng thụ nhiều thú vui hơn trong cuộc sống và có điều kiện thuận lợi để phấn đấu trưởng thành về mọi mặt.

Tuy vậy, trước sự tác động mặt trái của kinh tế thị trường và thời đại toàn cầu hóa, cùng những áp lực về học hành, thi cử, kể cả sự kỳ vọng thái quá của không ít phụ huynh khiến nhiều học sinh phải “gồng” lên đôi vai bé nhỏ của mình “gánh nặng” không đáng có.

Các em học sinh cần được chăm sóc cả về thể chất và tinh thần. Ảnh: Thái An

Những ngày đầu năm 2018, dư luận tỏ lòng tiếc nuối một nữ sinh THCS ở một tỉnh miền Trung tự vẫn sau khi để lại lá thư tuyệt mệnh. Trước đó, một số học sinh cũng quyên sinh chỉ vì áp lực quá lớn về học tập, thi cử hay gặp rắc rối trong chuyện tình cảm riêng tư. Dư luận cũng không còn xa lạ với chuyện học sinh đánh chửi nhau rồi quay clip đưa lên mạng xã hội.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do một bộ phận học sinh bị nhiễu loạn tâm lý. Cách đây chưa lâu, kết quả khảo sát tại một số trường phổ thông ở Hà Nội và Hải Dương cho thấy, có khoảng 90% học sinh gặp khó khăn, vướng mắc trong học tập và đời sống hằng ngày. Những khó khăn, vướng mắc này nếu tích tụ, dồn nén lâu ngày mà không được chia sẻ, động viên và giải tỏa kịp thời có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, tâm lý, nhân cách học sinh.

Các em học sinh, nhất là học sinh bậc trung học (cơ sở và phổ thông) đang ở thời kỳ phát triển mạnh về thể chất, tâm lý, sinh lý. Ở lứa tuổi “dễ vui, hay buồn, thiếu chín chắn, thừa nông nổi” này, theo các chuyên gia tâm lý, nếu không có sự quan tâm, nâng đỡ tinh thần thường xuyên của cha mẹ, thầy cô giáo, nhà trường và xã hội, thì nhiều em, nhẹ thì rơi vào trạng thái rối nhiễu tâm lý, giảm sự tập trung trong học tập; nặng hơn thì bị trầm cảm, thậm chí bị khủng hoảng tâm lý, không làm chủ được hành vi của mình.

Đại đa số học sinh thời nay đã có đời sống no đủ, điều kiện học hành tốt hơn các thế hệ ông bà, cha mẹ mình. Nhưng chúng ta không được phép lơ là, chủ quan để con em mình “tự bơi” trong thời đại thông tin bùng nổ và trước sự cám dỗ của những ánh hào quang mập mờ, giả tạo tràn lan trên mạng xã hội. Tạo thuận lợi tối đa cho con có điều kiện sống, học tập tốt nhất là cần thiết, nhưng chưa đủ. Muốn học sinh phát triển toàn diện, hài hòa và có tương lai tươi sáng, trước hết gia đình phải là bến neo đậu bình yên, cha mẹ phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho trẻ em. Nhà trường phải thực sự trở thành môi trường văn hóa mà ở đó nghĩa thầy trò, tình bạn bè và những điều thân thiện, nhân văn không ngừng nảy nở, phát huy và tỏa sáng. Các tổ chức đội thiếu niên, đoàn thanh niên không chỉ là nhịp cầu gắn kết học sinh, mà cần chú trọng chăm lo giáo dục, bồi đắp lòng nhân ái, thái độ tích cực, ý chí vượt khó và tạo cơ hội cho các em được “tắm mình” vào các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí bổ ích.

Cây muốn tươi cành, xanh lá thì phải được chăm bón, vun trồng từ gốc rễ. Học sinh muốn phát triển hài hòa về thể chất, phẩm chất, tâm lý và nhân cách thì phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa dạy chữ với dạy người; giữa giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Bất cứ một khoảng trống nào của các chủ thể giáo dục này đều có thể dẫn đến những lỗ hổng đáng tiếc về tâm lý, phẩm chất, nhân cách học sinh.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc