Một cây nêu
Theo truyền thuyết, trong khoảng thời gian ông Táo về chầu trời (từ 23 tháng chạp đến mồng 7 tháng Giêng), cây nêu được dựng nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền, đến nơi người cư ngụ. Để dựng nêu, người ta thường chọn những cây tre thẳng, cao, chắc chắn. Trên nêu được treo khánh đất, khi gió rung có tiếng động phát ra để quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa quỷ. Với người Việt, cây nêu gắn với ngày Tết. Cùng với xu hướng phát triển của đời sống hiện đại, việc trang trí cây nêu được nhiều gia đình đầu tư công phu với nhiều phụ kiện đẹp mắt như đèn nháy, đèn lồng, con quay… Nêu được trang hoàng sắc màu từ gốc đến ngọn, có cây lại gắn thêm biểu tượng con giáp, có cây chỉ đơn giản như gạch nối giữa đất với trời. Nhưng hầu như nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc thiêng liêng treo ở vị trí cao nhất. Chính vì thế du khách thập phương nếu có dịp về với Lộc Hà trong những ngày Tết đều rất thích thú khi chứng kiến cảnh những vùng quê no ấm, rợp bóng cờ bay trên hàng trăm cây nêu được dựng lên dọc suốt từ chân cầu Hộ Độ đến vùng biển cửa Sót hay dọc tuyến tỉnh lộ 22/12, tỉnh lộ 7 qua các xã trên địa bàn.
Đến mồng 7 Tết, các gia đình thường làm lễ hạ nêu, quây quần sum họp sau chuỗi ngày vui Xuân, sau đó bắt tay vào công việc, học hành...
Làm lễ hạ nêu
Về cây nêu ngày Tết, nhà văn Đức Ban, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng: Ở nhiều vùng thành thị, cuộc sống hiện đại đã khiến cây nêu dần thưa vắng hơn so với trước đây. Nhưng ở Hà Tĩnh nói chung, ở Lộc Hà nói riêng, trước bữa cơm trừ tịch (bữa cơm cuối năm), tục dựng cây nêu trước sân vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Cây nêu báo hiệu cho biết đất có chủ, ma quỷ không được đến quấy phá. Do đó, khi đã dựng nêu lên là người ta yên tâm ăn Tết. Đến hết mồng 7 hạ nêu, tạm chấm dứt những ngày chơi Xuân. Tuy nhiên, ngày nay, chưa đến ngày hạ nêu nhưng từ mồng 2 Tết, người dân đã trở về với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo nhịp sống hiện đại, tục dựng và hạ nêu không còn phổ biến ở một số nơi, thay vào đó hầu hết các gia đình đều treo cờ Tổ quốc. Nhưng với người dân vùng biển Lộc Hà, nhiều nhà, nhiều người vẫn tin tưởng ở cây nêu, mâm cúng ngày mồng 7 với ý nghĩa cầu cho gia đình, làng xóm được mùa, cầu mong cho một năm mới làm ăn phát đạt, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa. Tục dựng và hạ cây nêu vào ngày Tết cổ truyền dân tộc trở thành một nét đẹp văn hóa, được người dân Lộc Hà giữ gìn và phát huy từ đời này sang đời khác. Cùng với những phẩm vật mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”, hình ảnh những cây nêu vững chãi, đẹp đẽ trong ngày Tết còn thể hiện tinh thần bảo vệ biển đảo quê hương của người dân nơi đây.
Lê Thị Trâm Anh, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Lộc Hà
Tin mới cập nhật
- Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý dạy thêm, học thêm ( 07/02)
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong Lễ hội xuân năm 2025 ( 05/02)
- Khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2025 ( 04/02)
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới ( 17/01)
- Công tác khuyến học của tỉnh Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 ( 08/01)
- Khai mạc Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ( 26/12)