Ngành học mà nhà tuyển dụng mong ngóng nhân lực
EmailPrintAa
16:03 16/07/2020

Theo dự báo của các chuyên gia, do nhu cầu của Công nghiệp 4.0, trong đó vấn đề “thông minh hóa” các hệ thống và quy trình truyền thống đóng vai trò sống còn, vì vậy, chuyên gia khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đang là ngành nghề “hot” nhất trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Doanh nghiệp ráo riết tìm nhân lực

Toàn cầu hiện có khoảng 22.000 nhà khoa học và chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) và phần lớn tập trung ở các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Trung Quốc... Số lượng không nhiều còn lại không đủ đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển như Việt Nam. Để trở thành chuyên gia AI, họ còn phải trải qua một quá trình tu nghiệp rất dài và thường mang học vị tiến sĩ trở lên.

Bên trong nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao của Tập đoàn Viettel. Ảnh: Văn Phong

Với mục tiêu trở thành một công ty Trí tuệ nhân tạo hàng đầu tại Việt Nam giai đoạn 2020-2025, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) hiện đang phát triển các sản phẩm và giải pháp CNTT dựa trên nền tảng các công nghệ mới.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc đầu tư tài nguyên và các trang thiết bị, Viettel hiện đang ráo riết tìm kiếm, thu hút và phát triển các chuyên gia, kỹ sư tài năng trong ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (KHDL&TTNT).

Chia sẻ công tác tuyển dụng nhân lực ngành KHDL&TTNT, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng phòng Nhân sự Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết, nhu cầu về ngành ngày càng tăng cao và trở thành thách thức lớn của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường. Để giải quyết vấn đề khan hiếm nhân lực, các doanh nghiệp phải tự chủ động đào tạo những nhân tài tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực trẻ.

“Chúng tôi hiện nhận cả sinh viên để vừa đào tạo vừa làm việc thực tế. Mất một khoảng thời gian khá dài mới phát triển thành nhân lực làm việc độc lập. Trung bình các doanh nghiệp mất khoảng 2-4 năm với chi phí tuyển dụng cao để có thể tìm được nhóm nhân sự này”, bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết.

Hiện, do việc khan hiếm nhân lực, cung không đáp ứng đủ với nhu cầu trên thị trường, giá cả (mức lương) của các ứng viên ngành AI được đẩy lên mức rất cao, đặc biệt khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh trực tiếp với làn sóng đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp nước ngoài. Trung bình, mức lương senior dao động từ 2.000 đến 3.000 USD, cao hơn khoảng 30% so với những nhóm ngành CNTT khác.

Tương tự, Tập đoàn FPT xác định AI là nền tảng lõi trong cuộc cách mạng số. Trong đó nền tảng AI được xác định là công nghệ mũi nhọn. Chiến lược phát triển AI tại Tập đoàn FPT hướng tới mục tiêu ứng dụng trên ba tầng: Tích hợp vào Hệ sinh thái FPT, đóng gói thành các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho thị trường và xây dựng cộng đồng phát triển AI.

Với định hướng như vậy, Tập đoàn này cũng đang gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đại diện Tập đoàn FPT cho biết: FPT liên tục tuyển dụng các nhân tài AI. Hiện dù có đội ngũ khá chất lượng, nhưng tập đoàn vẫn cần đào tạo thêm để đáp ứng đủ nhu cầu. Nguồn nhân lực hiện có mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu và dự kiến thiếu hụt khi tiếp tục mở rộng đầu tư.

Việt Nam sẽ có đội ngũ “Thủ lĩnh công nghệ”

Nắm bắt việc các nhà tuyển dụng đang rất mong ngóng nhân lực ngành này, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chủ động xây dựng Chương trình Elitech KHDL&TTNT. Dù mới tuyển sinh năm đầu tiên nhưng đã giành được sự quan tâm rất lớn của xã hội, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đơn vị đang rất “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao của một trong những lĩnh vực then chốt của Công nghiệp 4.0.

Sinh viên Viện CNTT&TT học tập trên một hệ thống hạ tầng tiên tiến.

Thông tin về ngành học mới này, PGS, TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện CNTT&TT, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, đây là chương trình mới, đầu tiên tại Việt Nam ở bậc đại học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong một ngành là trụ cột của Công nghiệp 4.0.

Với mục tiêu đào tạo ra các chuyên gia trình độ cao về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (DS-AI scientist), chương trình được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu lĩnh vực DS-AI trong nước và cả từ các nước G7 được Viện tuyển dụng làm việc toàn thời gian để giảng dạy cho chương trình này, 100% môn học được dạy bằng Tiếng Anh, với thời lượng thực hành và thực tập tại doanh nghiệp lớn nhằm đào tạo ra các chuyên gia KHDL&TTNT chất lượng cao, sẵn sàng cho đòi hỏi nhân lực của Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và trên thế giới.

Nhằm hướng tới thị trường lao động toàn cầu, cũng như bồi đắp tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, sinh viên các năm cuối sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên gia đang làm việc tại các Tập đoàn công nghệ đa quốc gia như: Google, Facebook, Microsoft, Amazon… thuộc mạng lưới đối tác cũng như cựu sinh viên của nhà trường.

Có lẽ nắm bắt nhu cầu tuyển dụng ngành này những năm tới sẽ rất sôi động, nên trong mùa tuyển sinh đầu tiên (năm 2019), bên cạnh những ngành “truyền thống”, thu hút rất nhiều những thí sinh quan tâm, nộp hồ sơ, thì Chương trình Elitech KHDL&TTNT cũng “nóng” không kém khi điểm trúng tuyển lên tới 27 điểm, đứng thứ 2 cả nước trong khối xét tuyển A00, A01.

Sinh viên Bách Khoa tham gia cuộc thi AWS DeepRacer League trên phạm vi toàn thế giới dành cho sản phẩm xe đua mô hình mới có tích hợp chức năng tự vận hành bằng trí tuệ nhân tạo.

Vượt qua những vất vả đầu vào, bù lại, sinh viên khi vào trường lại được thừa hưởng một hệ thống hạ tầng phục vụ thực hành tiên tiến với các hệ thống siêu máy tính, máy tính song song có năng lực tính toán hàng đầu Việt Nam và khu vực, cũng như thông qua hợp tác với các Tập đoàn lớn như: Microsoft, IBM, Amazon…

PGS, TS Tạ Hải Tùng cho biết: Trong quá trình học sinh viên được thực tập trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại hơn 200 doanh nghiệp đối tác của Viện và sự hỗ trợ thường xuyên của mạng lưới cựu sinh viên của Viện tại Silicon Valley, giúp sinh viên có cơ hội trao đổi, thực tập tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Với sự “đầu tư” chăm chút tỉ mỉ đó, mà mỗi sinh viên khi ra trường sẽ có những kiến thức cơ bản với định hướng khoa học dữ liệu như: Toán, xác suất-thống kê, trí tuệ nhân tạo, học máy, học sâu, khai phá dữ liệu, xử lý/biểu diễn dữ liệu lớn, blockchain, các kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành, cũng như các môn học liên quan đến kỹ năng đổi mới sáng tạo, và khởi nghiệp…

Ví dụ, trong các lĩnh vực của nền kinh tế, tại các tập đoàn đa quốc gia, các ngân hàng, các hãng bảo hiểm, các hãng tư vấn… nếu thiếu đi các hoạt động phân tích dữ liệu, điều tra, khảo sát và dự báo thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh và đặc biệt có thể tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro trong quá trình phát triển.

"Hiện nay đang rất cần nhân lực tại các bộ phận phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo, xử lý/phân tích/biểu diễn dữ liệu lớn tại các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước… Đấy chính là công việc của người học KHDL&TTNT hiện trường đang đào tạo. Đặc biệt đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc sớm đào tạo được một đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên môn, với các kỹ năng làm việc toàn cầu hóa trong một lĩnh vực then chốt này sẽ giúp đất nước bớt lệ thuộc vào các công nghệ, và nền tảng nước ngoài, cũng như giảm thiểu việc dòng dữ liệu quốc gia bị “chảy” ra nước ngoài, dẫn đến thất thoát nguồn tài nguyên được coi là “dầu mỏ mới” này, kèm theo tiềm ẩn các nguy cơ về an ninh quốc gia", PGS, TS Tạ Hải Tùng phân tích.

Sinh viên Viện CNTT&TT giành giải Nhất cuộc thi AWS DeepRacer League do Công ty Amazon Web Services tổ chức.

PGS, TS Tùng cho biết đây không phải là một lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng nhu cầu mới, cách tiếp cận mới khi hạ tầng tính toán, công nghệ, thuật toán và dữ liệu đang có những bước phát triển nhảy vọt trong thập kỷ qua, đòi hỏi Viện phải rất cẩn trọng khi xây dựng chương trình, để sao cho đào tạo ra được những chuyên gia thực thụ. Những người có tiềm năng trở thành các “thủ lĩnh công nghệ - tech leaders” dẫn dắt quá trình Chuyển đổi số của quốc gia trong tương lai.

Thêm vào đó, Công nghiệp 4.0 hay Chuyển đổi số đã không còn là câu chuyện của hậu trường chính sách, mà đang diễn ra hàng ngày tại mọi tổ chức và doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh kiến thức hàn lâm vững chắc, doanh nghiệp còn đòi hỏi sản phẩm đầu ra phải có cái nhìn sâu sắc về nghiệp vụ doanh nghiệp, để từ đó có thể bắt tay vào ngay quá trình Chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức.

Chia sẻ thêm về chất lượng nhân lực ngành này, đại diện Viettel cho biết, hiện công tác đào tạo của Việt Nam cơ bản đã đáp ứng do chính phủ, các trường đại học, các trung tâm, học viện đang rất chú trọng phát triển và đào tạo lĩnh vực này.

Trưởng phòng Nhân sự Trung tâm Không gian mạng Viettel chia sẻ: Từ năm 2019, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng tập trung vào chuyên gia (senior) và kể cả các kỹ sư mới ra trường (fresher) tài năng. Năm 2020, Viettel dự kiến triển khai các dự án cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu và AI quy mô lớn và dài hạn đến khách hàng, do đó sẽ có nhu cầu tuyển 10 data scientist, 20 data analyst, 20 Big Data Engineer và 50 AI Engineer.

Nguồn:  Khánh Hà/qdnd.vn

(https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nganh-hoc-ma-nha-tuyen-dung-mong-ngong-nhan-luc-627012 )


    Ý kiến bạn đọc