Ngày Nhân quyền Thế giới 2021: Bình đẳng – Giảm bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền
EmailPrintAa
16:53 10/12/2021

Ngày 10-12 hằng năm là Ngày Nhân quyền Thế giới. Năm nay, Liên hiệp quốc (LHQ) lựa chọn chủ đề cho Ngày Nhân quyền Thế giới là “Bình đẳng – Giảm bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền” đặt trong bối cảnh toàn thế giới vẫn đang nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 – điều đang làm những vấn đề về bất bình đẳng ngày càng trở nên trầm trọng.

Chủ đề Ngày Nhân quyền Thế giới năm 2021 là “Bình đẳng – Giảm bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền”

Cách đây 73 năm, ngày 10-12-1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền. Đây là văn bản mang tính tiền đề quan trọng khi các quốc gia thuộc LHQ khẳng định niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của mỗi con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, đã quyết định thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và xây dựng những điều kiện sống tốt hơn trong sự tự do rộng lớn hơn. Ngay tại Điều 1 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ghi rõ rằng “mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về quyền và nhân phẩm”. Do đó, LHQ tin rằng các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử là trọng tâm của nhân quyền.

Trong suốt những năm vừa qua, vấn đề nhân quyền, đặc biệt là vấn đề bình đẳng được các quốc gia đề cao và có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, 2 năm qua, dưới sự tác động của đại dịch COVID-19, những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng lại bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết. Nhiều chuyên gia nhận định, COVID-19 đã tác động mạnh tới những tiến bộ đã đạt được trong bình đẳng giới trong nhiều năm qua. Nhiều người trên khắp thế giới chịu cảnh bất bình đẳng, bất công nghiêm trọng, vi phạm đến những quyền cơ bản của con người ngay cả quyền sống, đặc biệt tình trạng này xảy ra phổ biến ở nhóm đối tượng dễ bị chịu tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người nghèo…

Theo ghi nhận của UNESCO, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc học của hơn 1,7 tỷ học sinh, sinh viên trên toàn thế giới tại 192 quốc gia. Một năm sau đại dịch, gần 50% học sinh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa. Ngay kể cả chuyển sang chế độ học trực tuyến, không phải trẻ em nào cũng được tiếp cận đầy đủ các trang thiết bị điện tử và in-tơ-nét để phục vụ cho việc học tập.

Mới đây nhất, ngày 22-11, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đưa ra cảnh báo, đại dịch COVID-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mà còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, trong đó phụ nữ và người di cư là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. IFRC nhấn mạnh cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã gây ra những tác động không đồng đều đối với những nhóm người dễ bị tổn thương. Theo đó, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người rơi vào cảnh mất việc làm và thu nhập. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực, cản trở việc tiếp cận giáo dục và các biện pháp phòng, chống bạo lực trong khi làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo báo cáo của IFRC, trên khắp thế giới, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Họ có nhiều nguy cơ bị mất việc hơn so với nam giới, một phần vì họ thường làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của các biện pháp hạn chế phòng dịch như du lịch. Báo cáo cũng cho rằng các biện pháp phong tỏa đã làm gia tăng đáng kể nạn bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Hiện nay, đại dịch sẽ đẩy 96 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021, trong đó 47 triệu người là phụ nữ và trẻ em gái. Điều này sẽ nâng tổng số phụ nữ và trẻ em gái sống ở mức dưới 1,9 đô-la Mỹ lên 435 triệu người. Điều này lại đặc biệt xảy ra ở những phụ nữ từ 25 đến 34 tuổi, độ tuổi sung mãn đỉnh cao của năng suất lao động sản xuất và lập gia đình của họ. Ngay cả việc, trên toàn thế giới, 70% nhân viên y tế là phụ nữ, nhưng nhiều phúc lợi họ không được ngang bằng đồng nghiệp nam.

Đặc biệt, đại dịch đã khắc sâu thêm khoảng cách giàu nghèo. Theo Báo cáo Bất bình đẳng thế giới do một mạng lưới các nhà khoa học xã hội thực hiện cho thấy, giá trị tài sản mà các tỷ phú trên thế giới sở hữu trong năm 2021 chiếm 3,5% giá trị tài sản toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 2% khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020. Đặc biệt trong đại dịch, bất bình đẳng thể hiện rõ ở vấn đề phân phối và tiếp cận vắc-xin COVID-19. Hiện nay, châu Phi chỉ có 10,4% dân số đã được tiêm một mũi vắc-xin, trong khi con số ở Bắc Mỹ là 64% và châu Âu là 62%. Ngay cả tại châu Á, tỉ lệ tiêm chủng dù đã bứt tốc nhưng vẫn ở mức thấp.

Chính vì vậy, song hành với việc đối phó với COVID-19, các quốc gia cũng bước vào cuộc đua giải quyết những thách thức mà nó đem lại, đặc biệt trong việc giải quyết các xung đột, đảm bảo quyền và sự phát triển của con người. Việc lựa chọn chủ đề Ngày Nhân quyền Thế giới năm 2021 liên quan đến vấn đề bình đẳng là lựa chọn đúng đắn và hợp lý mà LHQ đưa ra. Đây là cơ hội để các quốc gia, các tổ chức tiếp tục nâng cao nhận thức về nhân quyền, hướng tới xây dựng các cộng đồng dựa trên sự bình đẳng. Việc đảm bảo bình đẳng, chống phân biệt đối xử, bảo vệ các quyền cơ bản của con người trong đại dịch chính là chìa khóa hữu hiệu để thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng mà COVID-19 đang đem tới.

Nguồn: Lưu Ly/xaydungdang.org.vn

( http://xaydungdang.org.vn/Home/nhan_quyen/2021/16212/Ngay-Nhan-quyen-The-gioi-2021-Binh-dang-Giam-bat-binh.aspx )


    Ý kiến bạn đọc