Ngày xuân, luận về chữ Phúc - Lộc - Thọ
EmailPrintAa
07:52 23/01/2017

Con người sinh ra ai cũng muốn có nhiều sức khỏe, một nền tảng kinh tế vững vàng và nhiều con cái. Trên bàn thờ gia tiên hay chỗ trang trọng nhất của hầu hết mỗi nhà đều treo hình ảnh, tượng Phúc - Lộc - Thọ và đây cũng là lời chúc của mọi người giành cho nhau mỗi khi tết đến, xuân về với mong ước, khát vọng về một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Dù giá trị của nó không thay đổi song hoàn cảnh lịch sử, cách hiểu của con người đã khiến những biểu hiện về Phúc - Lộc - Thọ ngày nay phong phú, đa chiều.
   

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Quan niệm xưa

Từ tích xưa, theo truyền thuyết kể rằng: Đời thượng cổ ở Trung Quốc, tương truyền vua Nghiêu, vị Hoàng đế hiền minh thời thịnh trị, thái bình, nhân dịp tiết xuân đi thưởng ngoạn cảnh xuân và thị sát vùng đất Hoa Phong để hiểu thêm nhân tình thế thái. Nhân dân đã chúc tụng nhà vua ba điều: Một là, kính chúc nhà vua trường thọ, vua Nghiêu không nhận. Nhân dân lại nói điều hai: Xin cầu chúc nhà vua thật phú quý nhiều lộc, nhà vua cũng từ chối và nói tránh đi. Nhân dân lại chúc tiếp điều thứ ba: Chúc nhà vua sinh nhiều con trai, tỏa phúc ấm cho cả Hoàng tộc. Vua Nghiêu vẫn không chấp nhận mà thay mặt triều đình ban những lời chúc tụng đó thành ba điều chúc: “Đa phúc, đa lộc, đa thọ” gọi là “Tam đa” cho cả trăm họ. Từ đó, Phúc, Lộc, Thọ trở thành lời chúc nhau trong những ngày tết đến, xuân sang. Phúc ở đây có thể hiểu là nhiều may mắn, tuổi thọ, con cháu đuề huề, trong ấm ngoài êm, bền vững, thái bình từ đời này đến đời khác. Lộc theo quan điểm thời xưa tức là quan lộc, theo ý nghĩa tích cực đó là sự ghi nhận công lao của nhà vua và của nhân dân đối với các quan vì họ làm việc tốt, ích nước, lợi dân. Ngày nay, mỗi gia đình treo chữ Lộc, đặt tượng Lộc không ngoài mưu cầu tài lộc, làm ăn phát đạt, thuận lợi, kinh tế vững vàng. Còn chữ Thọ có nghĩa là mong muốn được khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi, cuộc sống luôn hạnh phúc viên mãn. Ngoài ra, Thọ còn có nghĩa là nhận lãnh, tức càng sống lâu càng nhận lãnh được nhiều phúc lộc. Nói tóm lại, Phúc, Lộc, Thọ được hiểu ngắn gọn là mong ước, khát khao hướng tới của con người trên nhiều phương diện, trong đó, Phúc là con cháu đầy đủ ngoan hiền, Lộc là tài lộc dồi dào và Thọ là sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh.

 Phúc - Lộc - Thọ ngày nay

Ước vọng và mong muốn của con người là rất đáng quý, vì có dám ước mơ mới có quyết tâm, động lực thực hiện ước mơ. Bên cạnh những nguyện vọng chính đáng, dường như mong muốn về Phúc, Lộc, Thọ ngày nay đang có sự đổi thay vừa để phù hợp với hoàn cảnh, vừa bị hoàn cảnh lịch sử chi phối. Mong ước về những giá trị của Phúc, Lộc, Thọ là rất chính đáng song trong cuộc sống thường không mang lại cho ai sự toàn vẹn tất cả nên để đạt được những điều ấy nhiều khi con người phải chịu hy sinh, thậm chí phải điều chỉnh, chế ước ham muốn bản thân, hài hòa các giá trị để đạt mục đích sống mà không làm ảnh hưởng đến ai.

Chữ Phúc, đối với mỗi gia đình chính là mong muốn có con cái, cháu chắt đuề huề nhưng phải được học hành, dạy dỗ đến nơi đến chốn, giỏi giang, thành đạt trong học tập, công tác. Phúc được tạo nên từ một gia đình tốt, có giáo dục, trong đó cha mẹ, người lớn là tấm gương tốt cho con cái học tập, noi gương, các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm, tình yêu thương với nhau và với các bậc sinh thành. Có con cháu, anh em đầy đủ, thành đạt trong cuộc sống, các mối quan hệ nhưng không giữ được mối đoàn kết trong gia đình, không tạo được nền tảng để gia đình bền vững lâu dài thì không thể gọi là gia đình có phúc được. Chữ Phúc cũng có thể hiểu rộng ra như nhân dân ta hay nói tâm phúc, phúc đức, cái phúc luôn đi kèm cái đức, tích đức thì mới có phúc. Mọi việc làm, mọi quyết định đều phải xuất phát từ cái đúng, cái tốt, từ sự công tâm, tấm lòng trung thực mới có sức thuyết phục, mới được người ta nghe, làm và ủng hộ. Cũng như một tổ chức Đảng muốn được nhân dân yêu mến phải có những việc làm, quyết định sáng suốt, chính sách đúng, triển khai thực hiện tốt, đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của nhân dân. Đảng làm được nhiều việc tốt sẽ tích nhiều đức, thu phục được tình cảm của nhân dân chính là cái phúc lớn của đất nước, dân tộc. Trong một tổ chức, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu gương mẫu có quyết định đúng đắn, làm được nhiều việc tốt cho dân chính là cái phúc lớn của Đảng, của đất nước. Người cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm cương vị lãnh đạo thuyết phục được nhân dân, được đồng nghiệp, cấp dưới ủng hộ bên cạnh năng lực, trình độ thì yếu tố quan trọng vẫn là đạo đức, tư cách, sự khiêm tốn, lối sống giản dị, đặt lợi ích tập thể lên trước lợi ích cá nhân...

Nền tảng để duy trì cái phúc của tổ chức Đảng chính là con người, là công tác cán bộ. Có những đồng chí sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo bài bản, trải qua nhiều vị trí công tác, có phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, bố trí đúng người, đúng việc, phát huy đúng khả năng… đem đến sự chuyển biến cho phong trào, có lợi cho tập thể, tổ chức… để lại phúc ấm cho nhân dân, cho chính gia phong, dòng họ rất cần được khuyến khích. Chỉ tiếc rằng, trong tổ chức Đảng của chúng ta có không ít cá nhân chẳng những không tích đức, tạo phúc ấm vững bền mà đôi khi còn có những quyết định, việc làm ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân với Đảng, làm suy giảm phong trào, gây bức xúc trong dư luận, không những không đưa lại phúc cho gia đình mà còn ảnh hưởng đến cái phúc của nhân dân, của Đảng, của dân tộc. Đó là những trường hợp một số cán bộ lợi dụng chức quyền để làm trái, làm tắt trong bổ nhiệm, bố trí cán bộ… đến nỗi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về bất cập trong công tác cán bộ đã phải nêu lên quan điểm “tìm người tài chứ không tìm người nhà”.

Chữ Lộc trong xã hội ngày nay đã có nhiều biến đổi, thậm chí đã xuất hiện nhiều “thứ lộc” mới và không chỉ những người “làm quan” có vị trí, có chức quyền mới có. Những dự án, công trình, ban hành, thông tin cơ chế, chính sách, quyết định bổ nhiệm, luân chuyển công tác… có sự gợi ý, tác động, định hướng… đưa lại một khoản lợi nào đó, chắc chắn các chủ nhân sẽ biến một phần “lợi nhuận” thành lộc cho những người có công. Đó là những “cái lộc” tạo ra do lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ (sẵn sàng kí, thực hiện những dự án, công trình có tính ngắn hạn để có lợi cho mình) làm thất thoát ngân sách của nhà nước chính là một dạng tham nhũng cần đấu tranh loại bỏ bằng nhiều cách, mà trước tiên phải thay đổi cơ chế quản lí, hoàn thiện hệ thống pháp luật chặt chẽ để nó không còn đất phát sinh. Trong xu thế hội nhập phát triển, phát huy sự sáng tạo của cá nhân, cũng phải thừa nhận nhiều người bằng sự lao động trí tuệ, sáng tạo, tinh thần làm việc chân chính đã thành công trong nghiên cứu khoa học, kinh doanh, hoạt động xã hội… đưa lại nhiều lợi ích cho xã hội. Thành quả từ những hoạt động đó là rất đáng trân trọng và rất cần được khuyến khích. Cũng phải nói thêm rằng, nhiều doanh nhân thành đạt, có uy tín đã trích một phần tài sản để tham gia các hoạt động từ thiện, phân phối lại thu nhập, chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng xã hội. Một nền tảng kinh tế gia đình vững vàng bằng nỗ lực của bản thân, lao động làm việc chính đáng, đúng lương tâm, trách nhiệm sẽ là con đường bền vững, lâu dài. Ngược lại, bằng mọi giá để làm giàu bất chính, buôn gian bán lận, trốn thuế, lừa đảo... chắc chắn sẽ không có được Lộc mà còn bị trả giá đắt. Cũng như một đất nước muốn phồn thịnh, trong vấn đề phát triển phải luôn hài hòa các yếu tố, lĩnh vực, thận trọng trong từng bước, từng chính sách, không vì mục tiêu phát triển mà đánh đổi môi trường sinh thái, không vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến thế hệ con cháu, sự bền vững về sau.  

Trong cuộc đời một con người, nếu chúng ta có con cháu đuề huề, phúc lộc đầy đủ nhưng không có sức khỏe, bệnh tật, ốm yếu triền miên, tinh thần, trạng thái luôn căng thẳng.… chắc chắn chúng ta sẽ không thể có hạnh phúc thực sự, đời sống sẽ không có nghĩa. Và vì thế phúc, lộc tích lũy được cũng không còn giá trị cho mình.Trong thời đại hiện nay, sự tràn lan của thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông, thiên tai và nhiều yếu tố khách quan rủi ro tác động, ảnh hưởng sức khỏe con người. Khi nói về nạn thực phẩm bẩn, có đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên “chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn đến thế”. Cộng với thói quen sống lười lao động, lười thể dục, chế độ ăn uống thiếu kiểm soát, lạm dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn... là con đường ngắn nhất dẫn đến các loại bệnh béo phì, tim mạch, ung thư... Do vậy cùng với hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lí, siết chặt những bất cập còn nảy sinh thì mỗi cá nhân cần phải tự điều chỉnh bản thân trong lối sống, sinh hoạt, thói quen ăn uống như duy trì một chế độ ăn uống, tập thể dục, thể thao hợp lí, tuân thủ nghiêm pháp luật an toàn giao thông khi lưu thông... Mỗi cá nhân có thể thực hành phương châm sống hòa cùng thiên nhiên, kết hợp lao động chân tay, lao động trí óc, tích cực rèn luyện đạo đức, sức khỏe để tạo ra nhiều của cải vật chất làm giàu cho bản thân và cho xã hội.

Mỗi cá nhân đều có chí hướng phấn đấu, mục đích sống tốt đẹp, đặt lợi ích, hạnh phúc của bản thân trong sự hài hòa với lợi ích cộng đồng... chắc chắn sẽ là nền tảng, là tế bào quan trọng để tạo dựng những giá trị Phúc, Lộc, Thọ bền vững cho gia đình và xã hội. Trong mỗi tập thể, cơ quan, đơn vị, nếu từng người đảng viên, từng tổ chức đảng biết chế ước bản thân, hy sinh và cống hiến, kiến tạo nhiều những giá trị cho nhân dân, nhân cái đẹp, dẹp bớt cái xấu, phiền phức, nhũng nhiễu, quan liêu, cửa quyền... xây dựng một môi trường công vụ thông suốt, trong sạch, văn minh, vì dân... sẽ là cái phúc, khai thông các nguồn lực cho sự phát triển, tạo ra của cải đem tài lộc, hạnh phúc cho nhân dân, thúc đẩy sự phồn thịnh của đất nước. Tương lai của thế hệ sau phụ thuộc vào suy nghĩ, hành động của thế hệ hôm nay, vì vậy, mỗi việc làm hay được nhân lên chính là đang đặt những viên gạch xây dựng một tương lai vững bền đem lại Phúc - Lộc - Thọ cho đất nước về sau. Nhân được mỗi hành động, việc làm đẹp chắc chắn sẽ là cơ sở góp phần xây dựng môi trường, phong cách sống lành mạnh là cách để có được Phúc, Lộc, Thọ thực sự.

Phúc - Lộc - Thọ là những giá trị thể hiện khao khát, ước vọng hướng tới, là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân song không tách rời bối cảnh của xã hội, đất nước mà luôn gắn bó, hài hòa, cá nhân đạt được các giá trị đó trên cơ sở nền tảng vững bền của dân tộc và ngược lại. Một đất nước, một dân tộc không tôn trọng những giá trị cơ bản của con người để làm cơ sở cho các chính sách, chủ trương chắc chắn chưa phải là dân tộc mạnh nhưng giải quyết mối quan hệ đó phải hài hòa, thống nhất, có nguyên tắc, không vì sự ổn định nhất thời mà phải đánh đổi hoặc dung thứ cho những hành vi sai trái. Đồng thời, những khao khát ước vọng của con người phải đặt trong bối cảnh, điều kiện của đất nước, trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Phan Thị Hương


    Ý kiến bạn đọc