Nghi vấn về đường dây 'bảo kê' trong giới trọng tài
EmailPrintAa
08:29 10/06/2013

Một điều trùng hợp là phần lớn trọng tài nằm trong nghi án đều từng mắc sai sót rất nặng ở nhiều giải đấu trước đây nhưng vẫn được trọng dụng.

Sau khi tổ trọng tài người Hà Nội bị dính nghi án nhận 100 triệu đồng, người ta mới nhận ra rằng hầu hết trọng tài này đều từng mắc sai sót, thậm chí rất nặng ở nhiều giải đấu trước đây.

Trợ lý trọng tài Đỗ Mạnh Hà từng "cứu" đội chủ nhà Hải Phòng ở vòng 7 V-League 2012 trong một tình huống phất cờ "tưởng tượng". Ở tình huống phút 49, tiền đạo Bebe của SLNA sút từ góc hẹp nhưng còn cách khá xa vạch cuối sân và theo bất cứ góc nhìn, phân tích nào cũng không thể đi hết vạch cuối sân rồi đi vào cầu môn được. Thế nhưng, trợ lý Đỗ Mạnh Hà vẫn phất cờ sau khi bóng đã vào lưới khiến trọng tài chính Trần Trung Hiếu đã công nhận bàn thắng, phải bẻ còi.

Đây là sai sót giới trọng tài nhận định "khó lý giải bằng chuyên môn", tức có vấn đề tư tưởng. Riêng ông Đỗ Mạnh Hà sau đó lý giải là "mình bị ma làm nên đã không công nhận bàn thắng của Bebe". Sau sai sót này, lẽ ra cần đặt dấu hỏi về động cơ đằng sau quyết định kỳ lạ nhưng ông Hà chỉ bị treo cờ vài trận rồi sau đó lại có cơ hội trở lại "oanh tạc" ở V-League.

Nếu theo cách giải thích của trợ lý trọng tài Đỗ Mạnh Hà, có lẽ người đồng nghiệp Phạm Đắc Chiến của ông cũng bị "ma làm" và vẫn là "ma" ở sân Lạch Tray. Đó là trận đấu ở vòng 5 V-League năm nay khi Hải Phòng tiếp Đà Nẵng.

Trọng tài Chiến mắc sai sót nghiêm trọng khi cho rằng pha tạt bóng trong khu vực 16m50 của Duy Lam đi hết vạch cầu môn làm trọng tài chính Nguyễn Quốc Hùng không công nhận bàn thắng của Merlo sau đó. Ban trọng tài nhận định đây là tình huống mắc lỗi kỹ thuật nghiêm trọng, nhưng không có nhiều người tin rằng trợ lý Phạm Đắc Chiến lại có thể sai sót đơn thuần do trình độ. Sau lỗi này, ông Chiến bị treo cờ hết lượt đi.

Còn hai trọng tài chính Kiều Việt Hùng và Đinh Hải Dương từ lâu vẫn bị coi là chuyên môn trung bình nhưng vẫn được cất nhắc lên bắt ở V-League.

Trọng tài Kiều Việt Hùng từng mắc sai sót ở rất nhiều giải đấu nhỏ cho đến lớn. Ở trận đấu quyết định tấm vé lên hạng thuộc giải hạng Nhì 2012, trọng tài Kiều Việt Hùng đưa ra hàng loạt quyết định khó hiểu, đỉnh điểm là việc ông này cố tình bỏ qua quả phạt đền cho Bình Phước vào phút 88, khi Văn Tuấn đột phá cá nhân và bị thủ môn Ngọc Chung (TP HCM) ôm chân để truy cản.

Ở giải hạng Nhất 2009, ông Kiều Việt Hùng có pha bẻ còi khiến cầu thủ hai đội An Giang và Tây Ninh bức xúc khi ban đầu cho An Giang được hưởng quả penalty nhưng sau đó lại phạt ngược, cho Tây Ninh đá phạt lên vì cho rằng tiền đạo Bosango (An Giang) chơi bóng bằng tay. Trong tình huống này pha phạm lỗi của cầu thủ Tây Ninh với Bosango diễn ra trước tình huống Bosango chơi bóng bằng tay và quyết định của trọng tài là sai nguyên tắc cơ bản.

Còn ở Cup quốc gia 2012, ông Kiều Việt Hùng cũng mắc sai sót trong tình huống dẫn đến quả phạt góc giúp Xuân Thành Sài Gòn gỡ hòa 2-2 trước Khánh Hòa trước khi thắng ngược 3-2. Vì tình huống này mà cầu thủ Ngọc Điểu (Khánh Hòa) uất ức lao tới dùng hai tay đẩy mạnh vào ngực trọng tài, trong khi đồng đội Hoàng Tuấn phản ứng rất hung hăng. Sau vụ việc này, trọng tài Kiều Việt Hùng nhận án kỷ luật: không được làm nhiệm vụ ở V-League 2012.

Đã có không ít ý kiến cho rằng các trọng tài mắc sai sót liên tiếp mà vẫn được điều hành ở V-League cho thấy kẽ hở trong công tác nhân sự của Ban trọng tài VFF. Trong giới trọng tài, nhiều người cho rằng muốn sớm được cất nhắc lên bắt ở V-League, cần phải có "dây" mạnh. Trước đây, thời ông Nguyễn Văn Mùi còn làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia, nhóm các trọng tài Hà Nội ít khi được cất nhắc, tạo điều kiện.

Tuy nhiên, từ khi ông Mùi nghỉ sau sự cố liên quan đến hai trọng tài Trần Công Trọng, Nguyễn Văn Quyết và nhân sự điều hành ban trọng tài thay đổi, nhóm trọng tài thủ đô khởi sắc hơn. Chẳng hạn, trọng tài Đinh Hải Dương còn khá non, chưa có mấy kinh nghiệm nhưng đã sớm được đôn lên bắt ở V-League từ mùa trước. Nhiều người trong giới cho rằng, nếu không được nâng đỡ từ bên trên, sẽ khó có chuyện này.

Nhân vụ nghi án trọng tài nhận tiền, có lẽ ngoài việc làm sạch đội ngũ trọng tài, cũng cần xem xét đến cả đội ngũ điều hành giới trọng tài xem đã đủ tâm và tầm hay chưa.


    Ý kiến bạn đọc