Cập nhật thông tin mới nhất về tình hình hàng hóa, Bộ Công Thương khẳng định, chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.
Gạo, thịt, rau quả, thuốc chữa bệnh… đủ sức cung ứng cho thị trường
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông: Do tâm lý hoang mang của người dân trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thị trường hàng hóa đã có những giai đoạn bất ổn cục bộ. Song, do nhận định sớm tình hình, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và các địa phương đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp xử lý nhanh các biến động của thị trường. Theo đó, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; hệ thống siêu thị Saigon Coop đã tăng 50-100% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; từng địa điểm, hệ thống siêu thị VinMart cũng tăng 50%-200% lượng hàng cung ứng cho thị trường; các hệ thống siêu thị Lotte Mart, MM Mega Market cũng cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm, giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân.
Người dân mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long, Hà Nội.
Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành và hiệp hội, ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước đều khá dồi dào. Cụ thể, mặt hàng lương thực: Ước tính sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn (dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn). Mặt hàng thịt gia súc, gia cầm: Tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn; thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. “Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy, hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm”, Bộ Công Thương đánh giá.
Về mặt hàng rau củ quả, tổng sản xuất các loại đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Mặt hàng đường, sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn, tồn kho năm trước chuyển sang khoảng 300.000 tấn cùng với lượng đường nhập khẩu tăng khi chính sách thuế nhập khẩu giảm mạnh được áp dụng từ năm 2020, nguồn cung bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Về thuốc chữa bệnh, năm 2020, giá trị thuốc sản xuất trong nước ước đạt 2.900 triệu USD; giá trị thuốc nhập khẩu ước đạt 4.350 triệu USD; giá trị thuốc xuất khẩu ước đạt 165 triệu USD. Như vậy, kế hoạch nguồn cung sản xuất và nhập khẩu thuốc đáp ứng đủ nhu cầu thuốc năm 2020.
Từ những số liệu nêu trên, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Người dân thay đổi thói quen tiêu dùng
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, tại các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa về các chợ tương đối dồi dào. Tuy nhiên do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20-30% so với trước khi có dịch bệnh.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, mặc dù chú trọng mua hàng tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ nhưng người tiêu dùng cũng hướng tới hình thức mua sắm trực tuyến. Điển hình như tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… sau khi quá tải cục bộ, hiện nay các hệ thống bán lẻ, chợ truyền thống đều vắng khách hơn trước do khách hàng ngại đến nơi đông người. Người dân đã thay đổi thói quen mua sắm, chuyển sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến. Theo đó, ngoài việc tăng nguồn cung, các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu nhân dân khi phòng, chống dịch. Tại Hà Nội, doanh thu từ thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng 20-30%.
Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai… trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trên địa bàn cũng xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng, chống dịch… gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm, chủ yếu vào ngày cuối tuần. Để hạn chế tình trạng trên, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các sở công thương, cùng với các hệ thống bán lẻ, các chợ trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Liên quan tới vấn đề bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân, trước đó, tại cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Với tinh thần không nên bi quan nhưng tuyệt đối không thể chủ quan trong tình hình hiện nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc bộ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phương án theo diễn biến của dịch bệnh, thậm chí phải tính đến những hệ quả đi kèm nếu phải cách ly không chỉ một thành phố.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)