Nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0
EmailPrintAa
16:53 26/07/2018

Mấy năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Hàng trăm cuộc hội thảo được tổ chức để bàn giải pháp tiếp cận, nắm bắt thành công xu thế của cuộc cách mạng này.

Trong khi đó, theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới mới công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động chuyên môn cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: thoibaotaichinh.vn

Tâm điểm của cách mạng 4.0 là những nhà máy thông minh được vận hành bằng các dây chuyền tự động hóa, rô-bốt làm việc thay con người. Sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 sẽ khiến hàng loạt nghề nghiệp cũ bị mất đi, thị trường lao động phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động kỹ năng thấp và nhóm lao động tay nghề cao… Đặc biệt, điều này không chỉ đe dọa việc làm của những lao động có trình độ thấp mà ngay cả lao động kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu họ không được trang bị kỹ năng mới. Đã có không ít các cuộc hội thảo đề cập đến nguy cơ bị mất việc làm của nhóm lao động giản đơn ở các ngành, như: Dệt may, da giày, gia công điện tử... Bởi vậy, lúc này, lao động giá rẻ đã không còn là lợi thế mà trở thành lực cản, thách thức lớn đối với nước ta trong cuộc CMCN này.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng những năm qua có những chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Tâm lý sính bằng cấp của đại đa số người dân, mong muốn con em mình theo đuổi một tấm bằng đại học thay vì học nghề khiến các trường nghề không tuyển được học viên, dẫn đến thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Tình trạng người học nghề xong không tìm được việc làm; đào tạo nghề không theo nhu cầu thị trường; người học nghề sau khi tốt nghiệp, đi làm tại các doanh nghiệp phải đào tạo lại diễn ra khá phổ biến.

Đối với các nước có trình độ sản xuất phát triển, đang trong guồng quay của CMCN 4.0 thì chất lượng lao động không còn là vấn đề lớn. Nhưng với nước ta hiện nay, cần thẳng thắn nhìn nhận, muốn có công nghiệp 4.0 thì đòi hỏi cần phải có con người 4.0. Bởi xét đến cùng, máy móc, công nghệ dù hiện đại đến mấy cũng đều do con người tạo ra và vận hành dưới sự lập trình, điều khiển của con người. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải bắt đầu ngay từ khâu đào tạo nghề.

Nhân lực chất lượng cao không phải là một người có thể làm được nhiều việc, mà là mỗi người làm tốt công việc của mình trong dây chuyền sản xuất hiện đại, chuyên môn hóa ở mức độ rất cao. Để có được nguồn nhân lực 4.0, không phải chuyện ngày một ngày hai mà cần phải có chiến lược bài bản. Ngay từ lúc này, các nhà trường phải cập nhật cho sinh viên những kiến thức mới, đặc biệt là kỹ năng mềm; đẩy mạnh sáng tạo và khởi nghiệp, tùy theo điều kiện của mỗi trường để lựa chọn những ngành nghề đào tạo phù hợp. Điều này đòi hỏi các trường phải lấy người học làm trung tâm; tất cả việc quản trị, xây dựng chương trình đào tạo đều phải hướng đến mục tiêu đó. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới, đội ngũ giáo viên dạy nghề phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng mới theo chuẩn quốc tế.

Vấn đề khó khăn nhất của các cơ sở đào tạo hiện nay là chi phí đầu tư cho công nghệ khá cao. Do đó, thay vì đầu tư dàn trải thì các trường nên lựa chọn những nghề chất lượng cao, trọng điểm, phù hợp với xu thế. Mặt khác, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo theo nhu cầu của thị trường và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; phát triển mô hình trường dạy nghề trong doanh nghiệp để đào tạo nhân lực phù hợp với công nghệ của doanh nghiệp.

Chưa có một giáo trình khuôn mẫu nào về việc đào tạo ra những con người 4.0, nhưng một dây chuyền đào tạo cho 4.0 mà nặng về kiến thức hàn lâm thì chắc chắn sẽ thất bại, và không có con đường nào khác là phải thay thế bằng đào tạo thực hành.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc