Nhân rộng nhà vượt lũ
EmailPrintAa
16:33 12/11/2020

Trong những ngày mưa lũ hoành hành ở các tỉnh miền Trung vừa qua, mô hình nhà vượt lũ với sàn nhà được xây cao, vững chãi đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành nơi tránh trú cho người dân. Từ kết quả thực tế, việc nhân rộng mô hình này là yêu cầu đang đặt ra để góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, chủ động ứng phó với thiên tai.

Thường xuyên phải đối mặt cùng mưa bão, lũ lụt, người dân miền Trung không còn xa lạ trong việc sống chung với lũ. Tuy nhiên, khi đời sống của không ít hộ gia đình nơi đây còn nghèo khó, để có được ngôi nhà kiên cố vẫn là niềm mong mỏi. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây nhà phòng, chống lũ lụt theo tinh thần Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời đáp ứng niềm mong mỏi đó. Ngôi nhà vượt lũ được xây dựng trên nguyên tắc có sàn cao hơn 1,5m so với đỉnh lũ thường xuyên xảy ra ở địa phương và bảo đảm 3 cứng (sàn, tường, mái). Khi nước lũ dâng lên, ngôi nhà trở thành nơi tránh trú, bảo vệ an toàn cho cả gia đình và là nơi tá túc cho nhiều gia đình khác, mang đậm tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều".

Ảnh minh họa: TTXVN

Những ngôi nhà vượt lũ tuy còn đơn sơ nhưng là sự chung vai, góp sức của Nhà nước và nhân dân. Từ nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ và vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo động lực vươn lên cho những hộ nghèo. Vốn hỗ trợ ban đầu tuy không nhiều nhưng cùng với sự tích lũy, phấn đấu của từng hộ dân cũng như giúp đỡ của họ hàng, bạn bè và cộng đồng đã góp công, góp sức dựng những ngôi nhà vượt lũ. Theo phản ánh của chính các hộ dân ở vùng lũ miền Trung và khảo sát của Bộ Xây dựng, mô hình nhà chống bão, lũ ngày càng chứng minh hiệu quả. Giữa mênh mông nước lũ, bão tố, ngôi nhà vẫn vững chãi, là điểm tựa cho người dân trong cuộc chiến chống thiên tai.

Sau hơn 6 năm triển khai hỗ trợ nhà phòng, chống bão, lũ cho hộ nghèo ở miền Trung, đã có gần 20.000 ngôi nhà được xây dựng. Cùng với các chương trình hỗ trợ nhà ở khác, đến nay đã có khoảng 170.000 gia đình tại miền Trung có nhà ở kiên cố, vơi bớt nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão đến. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với biết bao đồng bào ở vùng thường xuyên phải chịu sự tàn phá của thiên tai. Có gia đình vừa thoát nghèo lại tái nghèo vì bão lũ, chưa kể nỗi đau mất người thân do thiên tai gây ra. Chính vì vậy, việc nhân rộng mô hình nhà vượt lũ là vô cùng cấp thiết.

Để có thêm nhiều ngôi nhà vượt lũ, đối tượng thụ hưởng của chương trình cần được mở rộng, không chỉ với hộ nghèo mà còn hộ cận nghèo, đặc biệt là các gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Mức hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay ưu đãi cũng cần được nghiên cứu, đề xuất theo hướng tăng thêm, bởi thực tế với hộ nghèo, việc lo cơm áo hằng ngày đã là cố gắng lớn, nguồn lực tích lũy rất hạn chế. Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp với tần suất dày hơn, việc lựa chọn vị trí để người dân định cư, xây dựng nhà cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, hạn chế thấp nhất nguy cơ hiểm họa do bão, lũ, sạt lở đất... Các giải pháp kỹ thuật từ thiết kế, thi công đến vật liệu cho công trình phải được tính toán hợp lý, vừa bảo đảm vững chắc vừa tiết kiệm, giảm chi phí xây dựng.

Ngôi nhà không chỉ là tài sản lớn mà còn là nền tảng giúp người dân ổn định cuộc sống. Đẩy mạnh chính sách nhân văn về nhà vượt lũ sẽ tạo cơ sở để người dân vùng lũ miền Trung có thể "sống chung với lũ", "an cư, lạc nghiệp”.

Nguồn: Đỗ Mạnh Hưng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nhan-rong-nha-vuot-lu-643597 )


    Ý kiến bạn đọc