Nhìn lại năm 2018 - không thể xuyên tạc, phủ nhận thành quả nhân quyền Việt Nam
EmailPrintAa
11:20 28/01/2019

Thời đại ngày nay, xét từ giác độ khoa học-công nghệ (KH&CN) là thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Cuộc cách mạng này hội tụ nhiều công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối-Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), tất cả đều dựa trên công nghệ thông tin (CNTT).

Với những công nghệ đó một thế giới mới, khác biệt với thế giới mà con người đang sống đã ra đời-đó là thế giới ảo, thế giới dựa trên kỹ thuật số, trên internet, mạng điện tử. Có thể nói, trong thời đại CMCN 4.0 đi đôi với cơ hội, nhân loại cũng phải đối diện với những thách thức mới-một trong những thách thức đó là phân biệt đâu là thực, đâu là ảo, đâu là giả.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam sớm nhận thấy tầm quan trọng của KH&CN, đặc biệt là internet. Việt Nam kết nối internet khá sớm (năm 1997). Từ đây người Việt Nam có thể tiếp cận với các nguồn thông tin dựa trên internet. Tuy nhiên cũng như nhiều quốc gia, những thế lực chống phá Việt Nam trong và ngoài nước đã lợi dụng internet, mạng xã hội để tán phát thông tin xấu độc, phá hoại cuộc sống thanh bình của nhân dân Việt Nam. Ứng phó với tình hình đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều biện pháp trấn áp tội phạm mạng, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý nói chung, pháp luật về mạng điện tử nói riêng, trong đó có Luật An ninh mạng năm 2018.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Thế nhưng các thế lực thù địch trong, ngoài nước đã xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam về nhiều mặt, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do sử dụng dịch vụ internet, mạng điện tử nói chung, mạng xã hội nói riêng. Họ viết-Việt Nam ngày nay đã là thành viên của Liên hợp quốc và nhiều công ước quốc tế về quyền con người (QCN), trong đó có “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” năm 1966, trong đó, quy định: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ…” (Điều 19).

Cách đây ít ngày (ngày 17-1-2019), Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) ở Hoa Kỳ đã ra “Phúc trình năm 2019”. Trong phần về Việt Nam, báo cáo này viết: “Tình hình nhân quyền Việt Nam-xuống cấp nghiêm trọng”, “Chính phủ Việt Nam đã đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền một cách hệ thống-đã “xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản” như cản trở các quyền tự do biểu đạt, chính kiến và ngôn luận; ngăn chặn các quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin. Luật An ninh mạng đặt tất cả các phương tiện truyền thông ở Việt Nam dưới sự kiểm soát của Nhà nước và Đảng. Luật An ninh mạng là cách mới nhất bóp nghẹtquyền tự do ngôn luận của các blogger; ngăn cấm các quyền tự do lập hội và nhóm họp hay hạn chế các hoạt động tự do thực hành tôn giáo... Nhà nước Việt Nam không cho báo chí tư nhân hoạt động, ngoài ra còn cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, công đoàn độc lập hay các nhóm chính trị…”. Vậy thực tế QCN của nhân dân Việt Nam được bảo đảm như thế nào? Và vì sao các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội về chính trị lại xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam?

Theo quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, bảo đảm QCN ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào bao giờ cũng phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: (1) Bảo đảm các điều kiện về tinh thần và vật chất cho tất cả mọi người và (2) Đấu tranh bằng nhiều hình thức với các thế lực chống phá chế độ xã hội, nhà nước, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân. Có thể nói, thủ đoạn chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch ngày nay là “gắp lửa bỏ tay người”. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng dùng chiêu trò “tôn trọng, bảo vệ QCN” mà thực chất là xuyên tạc tình hình, kích động người dân chống phá chế độ để rồi vu cáo Việt Nam vi phạm QCN.

Đã từ lâu, hằng năm Hoa Kỳ tán phát hai bản “Phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới” (một bản của Bộ Ngoại giao; một bản của HRW) và một bản về tình hình tự do tôn giáo (của Bộ Ngoại giao) trên thế giới. Trong 3 bản “phúc trình" nói trên, tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam thường được “tô đậm” hơn các nước. Nói chính xác là thường bị xuyên tạc vu cáo nhiều hơn cả.

Cũng như nhiều năm trước, năm 2018, Hoa Kỳ tập trung xuyên tạc việc cơ quan chức năng Việt Nam xử lý, trừng phạt những blogger lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá chế độ. Tuy nhiên, một thực tế là trước tòa, các bị báo đều thành khẩn nhận tội và hết sức ăn năn, hối cải bởi những hành vi, việc làm sai trái của mình. Hầu hết các bị cáo đều cho rằng, do năng lực và kiến thức pháp luật còn hạn chế, hoặc bị người khác mua chuộc, xúi giục. Điều rất đáng nói là những thông tin được các bị cáo trình bày tại tòa không phải đến bây giờ mới được nói đến, mà trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam đã nhiều lần đề cập. Vậy nhưng tiếc thay, nhưng người soạn thảo cái gọi là "bản phúc trình" thì lại không hay biết?

Trên lĩnh vực pháp luật, năm 2018, nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, Quốc hội Việt Nam khóa XIV đã thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết, trong đó có Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Cạnh tranh; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch,  Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn;  Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019...  Hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội Việt Nam nói trên cho thấy QCN, hay nói cách khác là quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước và xã hội thông qua cơ quan quyền lực đã được đổi mới, hiệu quả hơn các năm trước.

Trên lĩnh vực quyền kinh tế-xã hội, kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5-7%); dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt kỷ lục... Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cả năm có khoảng 130.000 doanh nghiệp đăng ký mới...

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã huy động các nguồn lực vào các hoạt động giảm nghèo, nhất là đối với vùng có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 86,9%, vượt chỉ tiêu đề ra (85,2%).

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa. Tính đến năm 2018, Việt Nam có thêm 11 di tích và 29 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xếp hạng.

Nhằm bảo đảm QCN, quyền công dân trong điều kiện cuộc CMCN 4.0, Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử để đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử”; ứng dụng rộng rãi CNTT, kết nối liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đối thoại trực tiếp với công nhân, nông dân, trí thức; nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua các cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước.

Đối với nhân dân Việt Nam, QCN không thể tách rời độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong năm 2018, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã chủ động ứng phó với các tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển. Thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ; xây dựng, quản lý biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Nhìn lại năm 2018, cho dù các thế lực thù địch tán phát thông tin xuyên tạc, bôi đen chế độ xã hội cũng không thể phủ nhận được thành quả QCN của nhân dân Việt Nam.

Nguồn:  TS Cao Đức Thái/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc