Những dấu ấn khó quên của Olympic Rio 2016
EmailPrintAa
16:09 23/08/2016

Thế vận hội mùa hè (Olympic) Rio 2016 đã kết thúc vào rạng sáng 22-8 (theo giờ Việt Nam) sau 16 ngày tranh tài sôi nổi. Vượt qua nhiều khó khăn, nước chủ nhà Brazil đã làm hết mình để tổ chức nên một kỳ thế vận hội tuyệt vời và để lại ấn tượng sâu đậm với các vận động viên, khách du lịch tham dự Olympic. Cũng tại Thế vận hội lần này, sự tỏa sáng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giúp mang về cho đoàn thể thao Việt Nam một HCV và 1 HCB để góp phần mang về một kỳ thế vận hội thành công nhất trong lịch sử các lần tham gia.
 

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (đứng giữa) trong giờ khắc vinh quang với chiếc huy chương vàng Olympic Rio 2016.

 

Thành công lớn của nước chủ nhà

Tiếp sau kinh nghiệm tổ chức thành công World Cup 2014, nước chủ nhà Brazil đã nỗ lực hết mình để tổ chức một kỳ thế vận hội mùa hè thành công rực rỡ.

Vượt qua những khó khăn khi chính trường lục đục, nền kinh tế còn nhiều dấu hiệu bất ổn, Ủy ban tổ chức Olympic Rio 2016 của Brazil cùng người dân nước này đã cùng nhau nỗ lực để tổ chức một kỳ Olympic tuyệt vời. Thái độ thân thiện của người dân là điều mà tất cả mọi cổ động viên, vận động viên các nước đều ấn tượng. Công tác bảo đảm an ninh cũng được huy động ở mức cao nhất giúp cho các môn thi diễn ra an toàn. Các vận động viên luôn được thi đấu trong điều kiện an toàn, an ninh cao là thành công lớn của ban tổ chức.

Những vận động viên vĩ đại

Ở thế vận hội lần này, rất nhiều kỷ lục đã bị phá khi các vận động viên luôn thể hiện khả năng và sức mạnh vượt qua mọi giới hạn bình thường. Chính những vận động viên tài năng như Michael Phelps, Usain Bolt, Bradley Wiggins, v.v. đã góp phần làm nên một bức tranh nhiều màu sắc để tôn vinh những tài năng vươn tới những đỉnh cao mới trong làng thể thao thế giới.

Với 5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 kỷ lục Olympic tại kỳ Olympic lần này, kình ngư người Mỹ Michael Phelps năm nay 31 tuổi đã có trong bộ sưu tập của mình tổng cộng 28 huy chương Olympic gồm 23 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 2 huy chương đồng và trở thành vận động viên giành nhiều thành tích nhất trong lịch sử các kỳ thế vận hội. Anh cũng trở thành vận động viên bơi lội đầu tiên giành huy chương vàng ở nội dung 200 m nam hỗn hợp trong bốn kỳ Olympic liên tiếp. Sự xuất sắc của Michael Phelps đã đóng góp không nhỏ vào vị trí nhất toàn đoàn của đoàn thể thao Mỹ tại Olympic Rio 2016.

Nếu như Michael Phelps luôn làm “dậy sóng” đường đua xanh mỗi khi anh xuống nước thì vận động viên người Jamaica Usain Bolt tiếp tục khẳng định thành tích là người chạy nhanh nhất hành tinh khi lần thứ ba đoạt ba huy chương vàng Olympic ở các nội dung 100m, 200m và 4x100 m. Kể từ Olympic Bắc Kinh đến nay, Usain Bolt tiếp tục cho thấy anh luôn thống trị các cự ly ngắn với những sải chân dài và khả năng tăng tốc chóng mặt. Chàng trai 28 tuổi này cho thấy anh đã vượt qua những huyền thoại của làng điền kinh thế giới như Tommie Smith, Pietro Mennea, Michael Johnson để trở thành vận động viên điền kinh chạy cự ly ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử với bộ sưu tập huy chương vàng Olympic hiếm có.

Một vận động viên đóng góp cho thành công của đoàn thể thao Vương quốc Anh chính là tay đua xe đạp Bradley Wiggins. Với chiếc huy chương vàng đua xe đạp lòng chảo nội dung pursuit đồng đội nam, Bradley Wiggins đã có tổng cộng 8 huy chương Olympic trong đó anh giành 5 HCV tại 4 kỳ Olympic liên tiếp trong ba nội dung thi đấu khác nhau của môn đua xe đạp. Bradley Wiggins cũng giành 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Thành tích này cũng giúp Bradley Wiggins trở thành vận động viên giàu thành tích nhất trong lịch sử của Vương quốc Anh tại các kỳ đại hội Olympic.

Thể thao Trung Quốc có dấu hiệu chững lại

Thế vận hội Rio 2016 chứng kiến sự chững lại của thể thao Trung Quốc khi cường quốc thể thao này chỉ xếp thứ ba trong bảng tổng sắp huy chương với 26 huy chương vàng, kém đoàn thể thao Anh đúng 1 huy chương vàng. Một trong những bất ngờ của thể thao Trung Quốc tại kỳ thế vận hội mùa hè này là việc các vận động viên môn thể dục dụng cụ không giành được bất kỳ huy chương vàng nào, trong khi chính các vận động viên thể dục dụng cụ đã giúp mang về cho nước này 9 huy chương vàng tại Olympic London 4 năm về trước.

Việc mất nhiều huy chương vàng ở những môn thế mạnh của thể thao Trung Quốc bấy lâu nay như cầu lông, bóng bàn, điền kinh, bơi lội khiến cho đoàn thể thao Trung Quốc chỉ giành được 26 huy chương vàng. Đây cũng là kỳ thế vận hội mà đoàn thể thao Trung Quốc gặt hái được số huy chương vàng ít nhất kể từ Olympic 2000.

Những huy chương vàng quý giá của thể thao Brazil

Nước chủ nhà Brazil không chỉ tổ chức thành công thế vận hội mùa hè đầu tiên trong lịch sử, mà các vận động viên của họ cũng có những màn thi đấu xuất thần. Một trong những thành tích xuất sắc đó là việc đội tuyển Olympic bóng đá nam của Brazil lần đầu đứng trên bục cao nhất giành huy chương vàng Olympic sau ba lần trước thất bại trong trận chung kết. Tiền đạo đội trưởng Neymar trong vai trò thủ lĩnh của các cầu thủ U23 đã có giải đấu tuyệt vời để đưa đội bóng Brazil lần đầu đăng quang ở đấu trường thế vận hội, điều mà những ngôi sao sáng trong lịch sử bóng đá Brazil như Falcao, Rai, Rivaldo, Ronaldo, Ronaldinho chưa từng làm được.

Tiếp bước thành công đó, đội tuyển bóng chuyền nam Brazil cũng tái lập thành tích 12 năm về trước để đoạt huy chương vàng khi đánh bại chính đội tuyển Italia trong trận chung kết. Chiếc huy chương vàng cuối cùng của thể thao Brazil tại Olympic lần này trở nên vô cùng quý giá vì nó giúp đoàn thể thao nước chủ nhà vươn lên đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng với 7 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 6 huy chương đồng, vượt qua cả đoàn thể thao Tây Ban Nha. Đây cũng là thành tích tốt nhất của Brazil tại một kỳ thế vận hội.

Tuyệt vời Hoàng Xuân Vinh

Đoàn thể thao Việt Nam với 23 vận động viên tranh tài đã có một kỳ thế vận hội thành công nhất trong lịch sử. Thể thao Việt Nam đã chờ đợi giây phút đoạt huy chương Olympic quá lâu.

Kể từ Olympic Sydney năm 2000 khi võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân đoạt chiếc huy chương bạc đầu tiên, phải mất đến 8 năm sau người hâm mộ thể thao Việt Nam mới được chứng kiến đoàn thể thao nước nhà mang về chiếc huy chương bạc thứ hai của lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn ở hạng cân 56 kg tại Olympic Bắc Kinh năm 2008.

Sau một kỳ thế vận hội thất bát ở Olympic London, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã xuất sắc mang về 1 huy chương vàng ở nội dung súng ngắn hơi 10m nam và 1 huy chương bạc ở nội dung súng ngắn bắn chậm 50 m nam. Không những thế, thành tích giành huy chương vàng của Hoàng Xuân Vinh ở nội dung súng ngắn hơi 10m nam còn phá kỷ lục Olympic. Thành tích tuyệt vời này của Hoàng Xuân Vinh đã giúp đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ 48 trong bảng tổng sắp huy chương, một vị trí mà thể thao nước nhà chưa từng có được.

Ngọn lửa Olympic Rio 2016 đã kết thúc. Hẹn gặp lại ở Olympic Tokyo 2020. Với người hâm mộ thể thao Việt Nam, giây phút chứng kiến xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hoàn thành loạt đạn cuối cùng để giành tấm huy chương vàng nội dung súng ngắn hơi 10 m hay cảnh kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên về đích đầu tiên trong loạt bơi vòng loại nội dung 400m hỗn hợp nữ với thành tích 4 phút 36 giây 85 luôn để lại dấu ấn khó quên trong lòng người hâm mộ. Dù Nguyễn Thị Ánh Viên không thể lọt vào vòng chung kết, nhưng cô đã vượt qua thành tích cá nhân của chính mình.

Tất cả các vận động viên ở các môn thể thao khác như Vũ Thị Trang, Nguyễn Tiến Minh, Hoàng Quý Phước, Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thành Ngưng, Nguyễn Thị Huyền, v.v đều đã có cơ hội để thử sức và kiểm nghiệm trình độ của mình ở sân chơi Olympic.

Ở những cuộc tranh tài ở thế vận hội, chỉ những vận động viên nào biết tập trung thi đấu tốt nhất và phát huy những sức mạnh tiềm ẩn vào giờ phút quyết định mới có thể giành chiến thắng để thăng hoa trên đỉnh vinh quang. Đó cũng là bài học kinh nghiệm vô giá để các nhà hoạch định chiến lược phát triển thể thao, các nhà quản lý, huấn luyện viên, vận động viên Việt Nam có thêm trong hành trang những tích lũy để xây dựng nền móng vững chắc cho thể thao nước nhà đường hoàng sánh vai với các cường quốc thể thao ở khu vực và thế giới trong tương lai.

Theo Thanh Dương/nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc