Những kỷ vật khó quên
EmailPrintAa
16:54 25/07/2017

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ chúng tôi về Xuân Lộc và xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc) - nơi có nhiều người con đã tham gia vào các cuộc kháng chiến của dân tộc. Chúng tôi đã được gặp những cựu chiến binh, mặc dù cuộc sống có khó khăn về vật chất nhưng ai cũng lạc quan, tin tưởng vào tương lai đất nước.
 
Một số kỷ vật của các cựu chiến binh  

Gặp bác Nguyễn Cát (xóm Yên Xuân - Xuân Lộc), tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy những kỉ vật của bác mang về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhập ngũ từ tháng 4 năm 1962, tham gia chiến trường Nam bộ từ năm 1965, bác Cát đã từng tham gia các chiến dịch lớn như chiến dịch Mậu Thân (1968), chiến dịch Xuân - Hè 1972. Kỉ vật Bác mang về từ cuộc chiến là chiếc ba lô cũ, chiếc áo, cái võng, đôi dép và một số đồ dùng quân dụng khác, những đồ dùng thân thiết đã theo bác từ những ngày trèo đèo lội suối đầy gian khổ. Đặc biệt, trong hành trang của bác Cát còn lưu giữ một cuốn sổ tay. Cuốn sổ nhỏ, ố vàng, mất một số trang hoặc bị nhòe không thể đọc được nét chữ. Cuốn sổ có nội dung như một cuốn nhật ký, ghi lại những ngày tháng bác đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, ghi một số bài thơ toát lên tình yêu cuộc sống và niềm lạc quan yêu đời của bác. Có lẽ, đó là một trong những động lực giúp bác vượt lên những gian lao, mất mát của cuộc kháng chiến.

Bác Từ Hữu Niềm (xóm Văn Hộ - Xuân Lộc) nhập ngũ từ tháng 2 năm 1968, từng tham gia chiến trường Lào. Năm 1973, bác vào chiến trường miền Nam. Kỷ vật của bác ngoài chiếc võng được phát từ khi nhập ngũ còn có những chiến lợi phẩm thu được trong các trận đánh. Bác cho tôi xem tấm vải dù, chiến lợi phẩm thu được của Mỹ trong trận vây ép chín ngày đêm tại khu vực ngã ba Lào Ngang năm 1971. Chiếc dù đã cũ, rách nhưng bác cất giữ rất cẩn thận. Bác kể nhiều về trận đánh thu được chiến lợi phẩm này. Khi kể chuyện, mắt bác long lanh, giọng đầy tự hào.

Một kỷ vật rất đặc biệt là chiếc ăng-gô của bác Trần Đình Trự (xóm Văn Trung - Xuân Lộc). Nhập ngũ từ năm 1952, bác Trự đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, tham gia chiến trường Lào từ năm 1965 đến năm 1973. Bác nói, chiếc ăng-gô đã theo bác từ những ngày đầu nhập ngũ cho đến tận bây giờ. Ăng-gô được làm bằng kim loại tổng hợp, chủ yếu dùng đựng nước, đựng lương khô, đồ ăn... đã mấy chục năm nhưng còn sáng bóng.

Có những kỷ vật chiến tranh khá độc đáo, thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của bộ đội ta, như những chiếc cốc, chiếc khay đựng nước được làm từ các mảnh pháo sáng, hay từ mảnh xác máy bay. Trên đó, còn có những hoa văn khá tinh tế. Năm 1954, bác Lê Thanh (xóm Nam Phong - Thượng Lộc) nhặt được mảnh pháo sáng khi tham gia chiến dịch Sơn La, bác đã làm thành chiếc cốc uống nước. Chiếc cốc đã cùng bác song hành trong các chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc... cho đến hôm nay.

Kỷ vật mang về từ cuộc chiến của các chiến sỹ còn là những bức thư gửi đến từ hậu phương. Những bức thư đã ngả màu bởi thời gian. Thế nhưng họ vẫn luôn mang theo bên mình như mang theo cả tình yêu thương của gia đình, người thân, của cả hậu phương để tiếp thêm sức mạnh trong những ngày gian khổ.

Chia tay những cựu chiến binh xưa, bên tai tôi còn vẳng vẳng câu nói của các bác: “Kỷ niệm mang về từ cuộc chiến đó là niềm tin vào Đảng, vào thắng lợi của dân tộc”. Những kỷ vật tuy không có giá trị về vật chất nhưng lại có ý nghĩa về tinh thần rất lớn lao. Nó giúp thế hệ trẻ hình dung được phần nào về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Và tôi hiểu thêm được tại sao, một dân tộc bé nhỏ như dân tộc mình lại có thể chiến thắng được những đế quốc lớn mạnh. Biết được như vậy, để sống, để cố gắng nhiều hơn, xứng đáng với sự hy sinh của lớp người đi trước.     

Nguyễn Minh Đức - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


    Ý kiến bạn đọc