Nỗ lực giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ người có công
EmailPrintAa
16:08 26/06/2017

Sau gần 70 năm thực hiện chính sách tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng, vẫn còn có những người vì nhiều lý do, chưa được công nhận liệt sĩ, thương binh... Đó cũng là trăn trở lớn nhất của những người làm chính sách ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, là trách nhiệm của các thế hệ đi sau... Chặt chẽ, công khai, dân chủ từ cơ sở
 

Đoàn cán bộ Cục Người có công kiểm tra hồ sơ tồn đọng tại tỉnh Thái Bình.

 

Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) các tỉnh, thành phố, cho thấy đang tồn đọng khá lớn hồ sơ đề nghị công nhận người có công (NCC) với cách mạng. Hiện cả nước còn khoảng 5.900 hồ sơ tồn đọng, tập trung chủ yếu vào ba đối tượng: liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (gọi tắt là NCC với cách mạng). Mặc dù Bộ LĐ - TB và XH cùng các tỉnh, thành phố đã tập trung xem xét, giải quyết, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.

Trước tình hình đó, Bộ LĐ-TB và XH đã chủ trương thí điểm triển khai việc xem xét, xác nhận NCC với cách mạng theo một quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ tại năm địa phương làm điểm (gồm Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) và bốn địa phương được chủ động áp dụng do yêu cầu bức xúc của nhân dân. Kết quả, sau mấy tháng thực hiện, hết năm 2016 các địa phương được chọn làm điểm đã giải quyết được 86 trường hợp NCC với cách mạng (75 liệt sĩ và 11 thương binh, trong đó có đến 57 trường hợp là liệt sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp). Đáng chú ý, phải đến khi áp dụng quy trình giải quyết có tính chất đặc biệt, mới công nhận liệt sĩ cho một chiến sĩ cách mạng hy sinh đã 75 năm.

Từ thực tế thí điểm tại các địa phương, Bộ LĐ-TB và XH có Quyết định số 408 ngày 20-3-2017 ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công gồm bảy bước, giải quyết theo từng tình huống cụ thể. Đây được coi là nỗ lực mới góp phần tháo gỡ khó khăn, đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều gia đình NCC và được dư luận nhân dân đánh giá cao. Theo đó, phấn đấu trong năm 2017, giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã lập trước ngày 1-7-2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách cho nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đang lưu trữ tại cơ quan LĐ - TB và XH, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên...

Phó Cục trưởng Người có công (Bộ LĐ-TB và XH) Nguyễn Duy Kiên cho biết: Theo dõi quá trình triển khai, nhìn chung, các địa phương thực hiện đầy đủ các bước theo hướng dẫn quy trình tại Quyết định số 408. Để bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, nhưng cũng không để "lọt" hồ sơ, các cơ quan kiểm tra kỹ hồ sơ đồng thời coi trọng ý kiến của những cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, những người đã tham gia kháng chiến, các cụ cao tuổi, những người dân hiểu biết về trường hợp hy sinh hoặc bị thương của người được đưa ra xem xét.

Việc công khai ở cấp xã và cấp tỉnh cũng được tiến hành nghiêm túc. Do tính chất phức tạp của hồ sơ (trường hợp hy sinh quá lâu, không còn nhân chứng, nội dung xác nhận chưa thật rõ hoặc những trường hợp tham gia nội tuyến), nên ở một số địa phương, như: Long An, Vĩnh Long, An Giang, Bình Dương, Hải Phòng… đã mời các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để báo cáo và lắng nghe ý kiến về từng trường hợp. Hiện nay, tất cả các trường hợp trình lên Bộ, đều đạt được sự nhất trí 100% tại các cuộc họp nhân dân, Hội đồng xét duyệt chính sách cấp xã, Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh, các cuộc họp lấy ý kiến của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, và không có ý kiến gì khác qua thời gian đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp. Những trường hợp còn có ý kiến khác nhau đều để lại tiếp tục xác minh.

Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định số 408 tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều tỉnh chưa nắm chắc các tiêu chí hồ sơ tồn đọng, một số địa phương có tư tưởng nôn nóng muốn tập trung giải quyết dứt điểm trong đợt này tất cả số hồ sơ tồn đọng cho nên gom hồ sơ từ các ngành, xã, huyện, thậm chí có nơi hồ sơ đang do cá nhân giữ khiến lúng túng trong khâu xử lý cụ thể.

Do số hồ sơ tồn đọng phần lớn là những hồ sơ lâu năm, khá phức tạp có nhiều vướng mắc đòi hỏi phải nghiên cứu thật kỹ, có cách vận dụng phù hợp với từng trường hợp. Nhiều người làm chứng không còn sống, có những nội dung xác nhận nêu chung chung hoặc mâu thuẫn ngay trong nội dung của người làm chứng, hoặc mâu thuẫn giữa nội dung làm chứng với nội dung giấy báo tử, phải xác minh nhiều lần, ở nhiều nơi, có những trường hợp tổ xác minh phải đi gặp trực tiếp từng đồng chí cán bộ lão thành cách mạng do sức yếu không dự họp được để lắng nghe ý kiến, nên phải mất khá nhiều thời gian...

Còn nhiều trăn trở...

Làm sao để tri ân thực hiện trách nhiệm đối với những người đã ngã xuống, đóng góp máu xương cho đất nước, là điều trăn trở nhất đối với những người làm chính sách. 70 năm qua, có khoảng chín triệu người hưởng chính sách này, tuyệt đại bộ phận được hưởng đúng, hưởng đủ. Nhưng qua rà soát, kiểm tra 60.000 hồ sơ cho thấy còn 1.800 hồ sơ hưởng sai chính sách và còn hàng nghìn hồ sơ NCC vẫn chưa được giải quyết...

Bộ trưởng LĐ - TB và XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, có những trường hợp thật sự nan giải khi xử lý. Như mới đây, khi rà soát lại các hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, mới thấy còn nhiều trường hợp hiện nằm trong nghĩa trang cùng đồng đội, nhưng bản thân họ vẫn không được công nhận liệt sĩ, chỉ vì không có căn cứ, không hồ sơ, không người làm chứng... Cũng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB và XH, mỗi trường hợp còn tồn đọng là một thách thức, phải có cách giải quyết khác nhau. Có những trường hợp mất cả năm trời để xử lý, nhiều lúc tưởng chừng bế tắc. Để giải quyết những trường hợp mang tính cá biệt này, Bộ đang áp dụng quy trình theo Quyết định số 408 - quy trình xử lý có tính chất cụ thể. Đây chỉ là phần nhỏ trong hàng nghìn trường hợp chưa được xác nhận liệt sĩ do vướng mắc về giấy tờ, thủ tục. Nhiều thân nhân liệt sĩ đã mất hoặc tuổi đã cao, sức yếu không thể đi lại lo thủ tục được, cũng không còn nhiều thời gian để chờ đợi...

Đơn cử như tỉnh Thái Bình, theo Giám đốc Sở LĐ - TB và XH Nguyễn Văn Bái, kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015, toàn tỉnh có 1.342 trường hợp đề nghị xác nhận NCC còn tồn đọng, trong đó riêng hồ sơ thương binh là 282 trường hợp, liệt sĩ 91 trường hợp... Nếu xét theo Quyết định số 408 thì Thái Bình không còn hồ sơ tồn đọng nào, nhưng trong đợt xét duyệt các hồ sơ tồn đọng đợt I năm 2017 gửi Bộ LĐ - TB và XH, Thái Bình cũng có tới 20 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ (giải quyết theo cơ chế là tỉnh thí điểm). Tương tự, tỉnh Thừa Thiên - Huế dù không còn hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408, nhưng cũng có tới 12 bộ hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, trong đó có tám hồ sơ được lập trên cơ sở mới có một nhân chứng (thiếu một nhân chứng xác nhận, mộ ghi không đầy đủ...) và bốn hồ sơ chưa hoàn thiện thủ tục ở cấp xã, cấp huyện...

Đây cũng là thực tế tại nhiều địa phương, khi các hồ sơ tồn đọng còn nhiều nhưng không đáp ứng các tiêu chí của Quyết định số 408. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Thừa Thiên - Huế Phan Minh Nguyệt cho biết, qua tổng rà soát và thực tế vẫn còn những trường hợp hy sinh, bị thương chưa được công nhận, xác nhận nhưng theo Quyết định số 408 cũng như văn bản pháp luật ưu đãi người có công hiện hành thì không đủ điều kiện để xác lập hồ sơ. Để giải quyết tình trạng này, Bộ LĐ - TB và XH vừa ban hành Công văn 2208/LĐTBXH-NCC ngày 6-6-2017 với những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, theo đó trước mắt chỉ đạo số lượng hồ sơ theo đúng tiêu chí, những hồ sơ khác sẽ được hướng dẫn xem xét trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng LĐ - TB và XH Đào Ngọc Dung, giải quyết hồ sơ tồn đọng sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2017. Việc xử lý sẽ được triển khai theo hướng linh hoạt từng trường hợp cụ thể. Trên cơ sở rà soát các thông tin và căn cứ có được, cơ quan chức năng cho công bố trên phương tiện báo chí truyền thông của tỉnh về những trường hợp đang xem xét để lấy ý kiến của nhân dân và các bậc lão thành cách mạng... để giải quyết triệt để.

Đến hết tháng 5-2017, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, còn khoảng 3.300 hồ sơ tồn đọng (trong đó số hồ sơ thương binh khoảng hơn 2.500, hồ sơ liệt sĩ khoảng 750). Đến nay, đợt 1 đã có 10 địa phương gửi hơn 100 hồ sơ đề nghị thẩm định, Bộ LĐ - TB và XH sẽ xem xét và công bố vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Dự kiến công bố đợt hai vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh (2-9) và đợt ba vào dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12).

Theo nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc