Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp sáng 6-5.
Nới lỏng các biện pháp một cách khoa học
Sáng 6-5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay ở nước ngoài, dịch bệnh còn rất phức tạp và căng thẳng, mỗi ngày có thêm mấy chục nghìn người nhiễm, mấy nghìn người tử vong, còn nhiều nguy cơ.
Do đó, Phó Thủ tướng chia sẻ: “Chúng ta hình dung Việt Nam giống như cánh đồng trũng, bên ngoài nước sông rất cao và gió lớn nên phải bao đê chặt, tiếp tục chính sách quản lý thật chặt chẽ người nhập cảnh, bảo đảm an toàn. Thứ hai, phải tiếp tục củng cố các cơ chế, công cụ, đặc biệt công cụ thông tin để luôn trong trạng thái sẵn sàng nếu có ca nhiễm nào đó trong cộng đồng là phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch ngay”.
Với hai điều kiện đó, Phó Thủ tướng cho rằng, phải nới lỏng các biện pháp giới hạn từ trước đến nay một cách khoa học, đó là dựa trên cơ chế lây lan của virus và trên tính toán về xác suất mầm bệnh hiện nay trong cộng đồng là bao nhiêu phần trăm.
“Đến giờ này, chưa thể khẳng định trong cộng đồng tuyệt đối không còn mầm bệnh nhưng xác suất là rất thấp. Các trường hợp đã khỏi bệnh, dương tính trở lại thì theo các chuyên gia phân tích sau khi đã lấy mẫu, kết luận không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Ngành y tế tiếp tục tập trung chăm sóc, quản lý thật tốt người bệnh, đã mắc và khỏi bệnh để an toàn cho cộng đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ban Chỉ đạo cho biết, Việt Nam tiếp tục thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu; thực hiện cách ly bắt buộc 14 ngày với các hình thức phù hợp đối với người nhập cảnh mang hộ chiếu ngoại giao, chuyên gia, thương gia… Đến nay, chúng ta chưa cho nhập cảnh khách du lịch quốc tế.
Về người nhập cảnh trên tuyến biên giới tiếp giáp với Lào, từ 30-4 đến 5-5 có 3.748 người nhập cảnh. Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Bộ Quốc phòng có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và cách ly để phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ để hỗ trợ Vietnam Airlines được cấp phép của Cục An ninh hàng không Mỹ để nhanh chóng thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở Mỹ về nước.
Bảo đảm các cháu đến trường an toàn, bớt áp lực tâm lý
Ban Chỉ đạo Quốc gia thống nhất, chúng ta bước sang giai đoạn học tập, sản xuất, sinh hoạt an toàn với điều kiện đeo khẩu trang ở trên các phương tiện công cộng, ở nơi công cộng (bên ngoài các trường học, trụ sở, công sở). Khi ra công cộng, chúng ta tiếp tục duy trì các biện pháp tránh tiếp xúc trực tiếp vào cơ thể người khác, tránh tiếp xúc bề mặt vì không rõ người đó và bề mặt đó có mang mầm bệnh hay không. Nếu có tiếp xúc phải rửa tay.
Ban Chỉ đạo đề nghị tổ chức giãn cách học sinh phù hợp với điều kiện thực tế, tránh áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn một cách cứng nhắc, thực hiện việc đeo khẩu trang và kiểm soát thân nhiệt đối với học sinh.
Về việc khi học sinh đi học trở lại, một số nơi có áp dụng biện pháp như tắt điều hòa, cho học sinh vừa đeo khẩu trang vừa mang màng che giọt bắn làm ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý học sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta nên bỏ các biện pháp giới hạn không khoa học, cực đoan như bắt học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ bằng nhựa là không cần thiết và có hại cho sức khỏe.
Do đó, trong trường học, các cháu học sinh không bắt buộc phải đeo khẩu trang. Chúng ta chỉ khuyến nghị các cháu cố gắng đừng tiếp xúc trực tiếp, tránh giọt bắn, chịu khó rửa tay. Đến giờ ra chơi, các cháu nên đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với bạn lớp khác vì nếu không may xác suất có một cháu nhiễm thì sẽ chỉ bị trong lớp đó.
Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh, chúng ta không bắt buộc một cách cực đoan là cấm bật điều hòa. Vốn việc cấm bật điều hòa chỉ áp dụng ở nơi tập trung vì nếu có một người mang virus thì hệ thống điều hòa sẽ mang con virus đó đi sang các phòng khác. Chúng ta chỉ khuyến nghị các lớp học và công sở nên định kỳ mở cửa thông thoáng cho không khí đối lưu với bên ngoài.
“Chúng ta thống nhất biện pháp để các cháu đến trường an toàn, khỏe mạnh và học tập cũng bớt áp lực tâm lý. Các phụ huynh nên hạn chế cho con đến nơi công cộng không cần thiết”, Phó Thủ tướng khuyến cáo.
Về các hoạt động sản xuất kinh doanh, Ban Chỉ đạo Quốc gia thống nhất các dịch vụ như vũ trường, karaoke thời điểm này chưa được mở lại. Còn các dịch vụ khác cơ bản được mở lại với điều kiện giữ khoảng cách tối thiểu là một mét.
Nới lỏng nhiều hoạt động
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo kiến nghị cho phép tập trung đông người nơi công cộng, không hạn chế số lượng với điều kiện đeo khẩu trang; đối với các sự kiện, hội họp cần thực hiện đeo khẩu trang và sát trùng tay. Bên cạnh đó, các dịch vụ không thiết yếu và kinh doanh thương mại, nếu sau 21 ngày không có ca mắc mới tại cộng đồng thì cho phép mở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…).
Hoạt động khám, chữa bệnh, vẫn áp dụng đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt tại cổng vào các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo kiến nghị cho phép nới lỏng các quy định như thực hiện giãn cách tối thiểu một mét đối với các tại các khu chờ và giữa các giường điều trị. Cho phép số lượng người ăn tại các khoa dinh dưỡng phù hợp với khả năng đáp ứng; số lượng y, bác sỹ tham gia giao ban bệnh viện, giao ban khoa phòng với số lượng phù hợp với các phòng giao ban; vẫn thực hiện khai báo y tế khi tới khám, chữa bệnh nhưng đơn giản hơn tạo thuận lợi khi thực hiện.
Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thảo luận về dỡ bỏ quy định giãn cách hành khách trên phương tiện vận tải. Theo đó, đối với kinh doanh vận tải khách bằng xe ô-tô, cho phép các đơn vị được vận chuyển đủ 100% số ghế trên các phương tiện và vẫn tiếp tục bắt buộc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế.
Đối với hàng không, đề nghị từ 0 giờ ngày 7-5 cho dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách chỗ ngồi trên tàu bay; Khoảng cách giữa các hành khách khi làm thủ tục hàng không, soi chiếu an ninh, xếp hàng lên tàu bay tại cảng hàng không, sân bay là một mét; Các quy định khác về bảo đảm phòng, chống dịch không thay đổi.
Cho phép tăng tần suất trên các đường bay nội địa từ 0 giờ ngày 7-5 với 52 chuyến bay (khứ hồi)/ngày đối với đường bay HAN-SGN, 20 chuyến bay (khứ hồi)/ngày đối với đường bay HAN-DAD, 20 chuyến bay (khứ hồi)/ngày đối với đường bay SGN-DAD, các đường bay khác cho phép theo nhu cầu của hãng hàng không. Từ 0 giờ ngày 1-6 cho phép bay theo nhu cầu của hãng hàng không trên cơ sở giờ hạ, cất cánh đã được xác nhận cho các hãng hàng không tại lịch bay mùa Đông 2019/2020.
Cho phép các hãng hàng không được phép mở bán vé các đường bay chở khách, hàng hóa nội địa, các đường bay chở hàng hóa quốc tế trên hệ thống phân phối cho toàn bộ lịch bay mùa Hè 2020 phù hợp với các nội dung phân bổ theo từng giai đoạn nêu trên.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 271 trường hợp mắc Covid-19 (liên tiếp 19 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng), ngày 5-5 không ghi nhận trường hợp mắc mới, ghi nhận thêm 11 ca khỏi bệnh. Trong số 271 ca mắc, Việt Nam đã có 243 trường hợp khỏi bệnh (bao gồm 14 bệnh nhân hiện xét nghiệm dương tính lại); 42 bệnh nhân đang được điều trị tại sáu cơ sở khám, chữa bệnh; ba bệnh nhân diễn biến nặng (số 20,91,161), trong đó bệnh nhân số 20 có tiến triển tốt lên, bệnh nhân số 161 đã xét nghiệm âm tính ba lần liên tiếp, chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi tai biến, bệnh nhân số 91 vẫn trong tình trạng nguy kịch. Hiện có 21 trường hợp âm tính từ một lần trở lên (trong đó có chín trường hợp âm tính từ hai lần trở lên). Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 18 giờ ngày 5-5, thế giới ghi nhận 3.660.055 trường hợp mắc Covid-19 tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số mắc cao nhất tại Mỹ với 1.212.955 trường hợp; tám quốc gia khác có số mắc trên 100.000 trường hợp (Tây Ban Nha, Italia, Anh, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil); 29 quốc gia có số mắc trong khoảng 10.000 - 100.000 trường hợp; 52 quốc gia/vùng lãnh thổ có số mắc trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp; 124 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc. Thế giới ghi nhận 252.675 trường hợp tử vong, trong đó số tử vong tại cao nhất tại Mỹ với 69.925 trường hợp, bốn quốc gia khác có trên 10.000 trường hợp tử vong (Italia, Anh, Tây Ban Nha, Pháp), 17 quốc gia có số tử vong trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp, 38 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa ghi nhận tử vong do Covid -19 (trong đó có Việt Nam). Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 51.271 trường hợp mắc và 1.694 tử vong, trong đó Singapore tiếp tục ghi nhận số mắc cao nhất (19.410) và Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (872); bốn quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch Covid-19 (Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào). |
Nguồn: nhandan.com.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)