Phục hồi du lịch sau đại dịch
EmailPrintAa
19:47 03/06/2020

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của ngành du lịch. Để đối phó khủng hoảng, tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ, du lịch cần tăng cường khả năng liên kết để cơ cấu lại ngành trên cơ sở phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng thị trường của các doanh nghiệp lớn.

Các di tích tại Huế đã đón khách du lịch trở lại sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19. Ảnh: NHẬT LINH

Khảo sát mới đây về xu hướng du lịch nội địa từ tác động của đại dịch Covid-19 do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) thực hiện cho thấy: Hơn 53% người tham gia khảo sát sẵn sàng đi du lịch ngay trong hè này sau khi dịch Covid-19 ở nước ta được kiểm soát tốt, trong đó du khách ưu tiên lựa chọn những điểm đến an toàn trước dịch bệnh (36%), đủ điều kiện an ninh (32%), tiếp đó mới là sự quan tâm đối với những ưu đãi du lịch (gần 20%).

Sau giãn cách xã hội do dịch bệnh, nhu cầu du lịch biển tăng cao (67%), kế đến là nhu cầu du lịch thiên nhiên (56%) với các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh đến chi tiêu ngân sách khiến gần 50% lựa chọn tua ngắn ngày, 89% lựa chọn đi du lịch cùng gia đình hoặc theo nhóm nhỏ bạn bè. Xu hướng đặt tua, dịch vụ trực tuyến cũng lên ngôi với gần 45% du khách lựa chọn. Hành vi tiêu dùng của du khách trong nước sau dịch Covid-19 đã có nhiều thay đổi so với thời điểm trước đại dịch, đặt ra yêu cầu cần phải cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch cũng như cách thức xúc tiến, quảng bá điểm đến. Cụ thể, các sản phẩm du lịch nên chuyển hướng theo hình thức du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ, du lịch thiên nhiên… Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh kinh doanh thương mại điện tử, thanh toán điện tử, xúc tiến quảng bá du lịch qua các kênh trên nền tảng in-tơ-nét, truyền thông số.

Trong bối cảnh chưa thể mở cửa du lịch quốc tế thì phát triển du lịch trong nước được xem là giải pháp duy nhất để từng bước vực dậy ngành du lịch lúc này. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, khi mà các đơn vị lâu nay vốn chỉ đưa khách quốc tế đến du lịch trong nước hoặc đưa khách trong nước đi du lịch quốc tế cũng chuyển sang khai thác thị trường nội địa. Nhiều bên liên tục đưa ra những tua đại hạ giá, dẫn đến rủi ro trong cuộc cạnh tranh giá cả. Nhiều doanh nghiệp nhỏ nếu chạy đua và giảm giá quá sâu sẽ phải đối mặt nguy cơ phá sản. Trong khi đó, tình trạng loạn giá cũng khiến nhiều du khách lo ngại chất lượng dịch vụ đi kèm không được như quảng cáo.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” vừa được Tổng cục Du lịch phối hợp TAB và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tổ chức tại Hà Nội, đa phần các đại biểu đều cho rằng cần tăng cường khả năng liên kết các thành phần cung ứng dịch vụ du lịch và nêu bật vai trò của các doanh nghiệp lớn. Các địa phương, điểm đến, các doanh nghiệp cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Với thị trường du lịch nội địa, cần có sự kết nối đồng bộ hơn nữa giữa các địa phương, điểm đến, hàng không, lữ hành, lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí để tăng tính hiệu quả, hấp dẫn cho các chương trình kích cầu nội địa, từ đó tạo sự cộng hưởng, lan tỏa, đáp ứng nhu cầu du khách. Đây cũng là thời điểm đòi hỏi các doanh nghiệp lớn phải chủ động thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường của mình để tạo ra những cú huých mạnh mẽ góp phần định hướng và khôi phục thị trường du lịch trong nước.

Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban IV, Chủ tịch TAB đề xuất: Các doanh nghiệp lớn cần cam kết sẽ không bán sản phẩm không an toàn, kém chất lượng; không bán với giá dưới giá thành sản xuất trực tiếp. Bên cạnh đó, liên kết giữa các doanh nghiệp dẫn đầu là sự khẳng định để truyền thông theo hướng coi đây là cơ hội mang lại lợi ích cho du khách Việt Nam thông qua kích cầu du lịch trong nước một cách bền vững, có trách nhiệm.

Để đẩy nhanh vai trò liên kết, dẫn dắt thị trường du lịch của các doanh nghiệp lớn, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã sớm thành lập Liên minh kích cầu du lịch với sự tham gia của những “đầu tàu” ở tất cả các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Những ngày qua, hàng loạt các địa phương là động lực phát triển du lịch vùng đã bắt tay liên kết phát triển sản phẩm. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các hãng hàng không để cung cấp tua du lịch giá rẻ. Nhiều chuyến bay nội địa dần tấp nập trở lại. Đây là những tín hiệu khả quan hứa hẹn ngành du lịch sẽ nhanh chóng lấy lại phong độ bắt đầu từ sự phục hồi du lịch trong nước.

Nguồn: Việt Anh/nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc