Quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em
EmailPrintAa
16:10 01/06/2020

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Tĩnh quan tâm thực hiện, tạo chuyển biến tích cực, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.

Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bảo bệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, như: Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 23/3/2016 về thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 98/KH-UBND, ngày 12/4/2016 về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 415/KH-UBND, ngày 24/11/2016 về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Kế hoạch số 201/KH-UBND, ngày 01/6/2018 về thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Kế hoạch số 33/KH-UBND, ngày 12/02/2019 về thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025; Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 10/7/2019 về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh… Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo phát động “Tháng hành động vì trẻ em” với mục đích tăng cường truyền thông, vận động xã hội, thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”; chỉ đạo tổ chức chương trình vui tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trên các địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị...

Các em đọc sách, vui chơi tại khuôn viên Trường Mầm non Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh)

Việc xây dựng mô hình sống an toàn, lành mạnh trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã xây dựng được 17 câu lạc bộ điểm về gia đình và gần 270 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Các trường tập trung xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thực chất; triển khai các mô hình “Trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích”. Công tác giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh được các cấp, các ngành chú trọng. Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp hè nhằm nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước; tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, các bậc phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường Internet và mạng xã hội. Tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ trẻ em từ cấp tỉnh đến cấp xã từng bước được kiện toàn, củng cố, sắp xếp phù hợp với chuyên môn nhằm thực hiện các nhiệm vụ một cách đầy đủ, kịp thời.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em còn tồn tại một số hạn chế. Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác tuyên truyền, phổ biến, chăm sóc, giáo dục trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên, hình thức chậm đổi mới; nội dung nghèo nàn, đơn điệu, chưa phù hợp đặc điểm từng vùng, miền, nhóm đối tượng. Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức, để xảy ra một số vụ xâm hại trẻ em. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao cho trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại nhiều địa phương còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên có sự thay đổi…

Nhằm nâng cao công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí và đội ngũ cán bộ để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nuớc về trẻ em. Quan tâm dành quỹ đất xây dựng các khu vui chơi thể thao, giải trí cho trẻ em. Xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành, liên cấp về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Nguyễn Thị Nga - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


    Ý kiến bạn đọc