Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lơ là, chủ quan, bởi hiện nay trên thế giới đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với hơn 2,4 triệu người nhiễm và hơn 165.000 người tử vong. Đáng chú ý, để tránh “lao dốc” về kinh tế, nhiều nước đã bắt đầu mở cửa, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, tiềm ẩn các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam.
Các chuyên gia dịch tễ của WHO đã cảnh báo: Bất cứ chính phủ nào muốn nghĩ đến việc dỡ bỏ các hạn chế thì phải đáp ứng được các điều kiện: Kiểm soát được 100% sự lây lan của dịch bệnh ở trong nước, đồng thời kiểm soát được mọi ca nhiễm nguy cơ từ nước ngoài; hệ thống y tế của đất nước có khả năng phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị cho mọi ca nhiễm, theo dõi mọi đối tượng nghi nhiễm; không còn nguy cơ ở những điểm nóng; các trường học, công sở và các vị trí thiết yếu khác phải bảo đảm mọi biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; cộng đồng được tăng cường nhận thức, không ai thiếu hiểu biết về Covid-19.
Tuy nhiên hiện nay có thể nói, chưa một quốc gia nào bảo đảm đầy đủ các điều kiện như khuyến cáo trên mà chủ yếu mới đến giai đoạn làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Vì thế, chắc chắn, việc triển khai sẵn sàng phương án chống dịch lâu dài, bảo đảm “cuộc sống mới giữa đại dịch” còn nhiều việc phải làm.
Ảnh minh họa/qdnd.vn.
Vừa qua, chúng ta đã đi được một chặng đường dài trên trận tuyến chống dịch. Công sức, tiền của bỏ ra rất lớn, thành quả thu về cũng không nhỏ. Tuy nhiên, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi sản xuất được vaccine dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu mới có thể coi là khống chế được dịch. Vì thế chúng ta không được phép xao nhãng hay buông lỏng kiểm soát, nhất là kiểm soát các ca nhiễm từ nước ngoài.
Kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài không đơn giản là “đóng kín” cả đường không, đường thủy và đường bộ. Các hoạt động xuất nhập cảnh từng bước được mở cửa trở lại, song nhất quán mọi đối tượng ra-vào phải được khai báo, xét nghiệm sàng lọc, cách ly đúng quy định. Từ con người đến cơ sở vật chất, nguồn lực cho công tác này phải được chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng. Đồng thời, sau khâu ngăn chặn, khi phát hiện người nhiễm Covid-19 phải điều tra dịch tễ, tổ chức cách ly và khoanh vùng dập dịch. Điều này không chỉ đòi hỏi năng lực của địa phương mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành. Kiểm soát chặt chẽ cả trong lẫn ngoài sẽ là "tấm áo giáp” trong PCD Covid-19.
Dịch bệnh còn có thể kéo dài nên chúng ta phải xác định sống chung với nó. Tuy nhiên, trước tính chất nguy hiểm, dễ lây lan của virus SARS-CoV-2, đòi hỏi mỗi cá nhân và từng tổ chức tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ. Nếu tất cả người dân đều có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về dịch bệnh, tự giác chấp hành, thực hiện các quy định PCD; nếu các cơ quan, đơn vị xây dựng và duy trì nghiêm túc các chế độ công tác, làm việc đáp ứng yêu cầu chống lây nhiễm trong cộng đồng thì hoàn toàn chúng ta có thể kiểm soát và sống chung với dịch.
Phải làm sao để mỗi người dân tự giác đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ đúng khoảng cách khi giao tiếp, tự giác rửa tay sát khuẩn nơi sinh hoạt, công tác, học tập, tránh tập trung đông người. Chúng ta sẽ nới lỏng từng bước tiến tới bỏ giãn cách xã hội tùy theo tình hình dịch, song trước mắt mỗi cá nhân phải tự ý thức hạn chế ra ngoài, không đi lại nếu không thật sự cần thiết. Nếu buộc phải ra ngoài thì phải bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng khuyến cáo của ngành y tế.
Đối với công tác, lao động, sản xuất kinh doanh, từ những quy định chung trong PCD, mỗi cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, công sở phải xây dựng quy chuẩn và thực hiện nghiêm túc trong điều kiện dịch bệnh. Các giải pháp tận dụng công nghệ thông tin trong hội họp, dịch vụ công, học tập, khám bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử... cần được thúc đẩy. Các phong tục, thói quen, sở thích, sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân hay các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo cũng cần thay đổi trước yêu cầu, nhiệm vụ PCD. Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cần được thực hiện cơ bản, thường xuyên. Các quy định phải được xây dựng, áp dụng rộng rãi toàn xã hội. Mọi trường hợp vi phạm cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng với các giải pháp bảo đảm an toàn khi sống chung với dịch bệnh, việc triển khai nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong điều chế vaccine, sản xuất thuốc, xây dựng phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần được tiến hành đồng bộ, song song, trong đó vừa triển khai nghiên cứu, vừa đi tắt đón đầu các thành quả nghiên cứu của thế giới. Nhân lực, vật lực, phương án trong tình huống dịch diễn biến phức tạp phải được chuẩn bị kịp thời, chu đáo. Tuyệt đối không được chủ quan, bị động, bất ngờ với dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh trong tương lai.
Trước đại dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ quân đội không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm, vừa xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, toàn quân cần tiếp tục củng cố, bổ sung phương án để hoàn thành nhiệm vụ kép, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ an toàn trước dịch bệnh, luôn sẵn sàng chiến đấu cao, đồng thời vừa huấn luyện, vừa chống dịch hiệu quả. Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án đối phó theo các cấp độ dịch; nghiên cứu, đánh giá kết quả công tác PCD và tác động của đại dịch Covid-19 đối với các mặt công tác quân sự, quốc phòng; tính toán lực lượng trong kiểm soát biên giới lâu dài; rút kinh nghiệm công tác cách ly… Những việc đó cần tiến hành nghiêm túc, bảo đảm trong bất cứ tình huống nào quân đội cũng là lực lượng trụ cột, đi đầu trong công tác PCD, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)