Sau Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội V, điện ảnh Việt Nam có gì?
EmailPrintAa
17:02 01/11/2018

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội V được cho là cơ hội để các nhà sản xuất điện ảnh Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế một cách thiết thực.

Tối 31/10/2018, Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội lần thứ V- HANIFF 2018  đã bế mạc và trao các hạng mục giải thưởng. “Buồng tối” - The dark room của điện ảnh Iran đã chinh phục ban giám khảo, giành giải Phim dài xuất sắc. “Đêm yên lặng”- Silent Night của điện ảnh Ba Lan đoạt giải Đạo diễn phim dài xuất sắc cho Piotr Domalewski.

Phương Anh Đào trong phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” của Việt Nam đoạt giải nữ diên viên chính xuất sắc. Giải Đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc cho Nguyễn Lê Hoàng Việt phim “Bạn cùng phòng”; Giải thưởng của Ban giám khảo cho phim ngắn “Hai đứa trẻ” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan phát biểu tại chương trình.

Trong 5 ngày diễn ra LHP, khán giả đã có cơ hội xem 147 bộ phim của 45 quốc gia với 201 buổi chiếu phim tại rạp. Trong đó, 48 buổi chiếu có nghệ sĩ các đoàn làm phim ra mắt, giao lưu trực tiếp với khán giả trước giờ chiếu. HANIFF 2018 được đánh giá là thành công về mặt tuyển phim khi mời được nhiều bộ phim mới đoạt giải tại các LHP danh giá như Oscar, Cannes, Berlin…

Hơn 200 suất chiếu phim miễn phí đã được tổ chức chiêu đãi cho khán giả Hà Nội. Điểm nhấn cũng là nét mới của HANIFF 2018 chính là 3 buổi chiếu phim ngoài trời, giao lưu với khán giả Hà Nội với các bộ phim “Cô Ba Sài Gòn”- Việt Nam, “Anida và gánh xiếc nổi”- Argentina và “Giản đơn”- Australia.

Phương Anh Đào đại thắng với "Nhắm mắt thấy mùa hè".

Trại sáng tác và Chợ dự án của HANIFF 2018 cũng đã trao giải dự án cũng như cá nhân xuất sắc: Crisanto Calvento - Philippines, lớp Đạo diễn - Sản xuất; Lớp diễn viên có hai học viên được trao giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Công Văn Dương và Vũ Kim Anh. Chợ dự án trao giải cho “John Denver Trending” - Philippines và Giải thưởng đặc biệt từ BGK dành cho dự án “Good Morning and Good Night”.

Ngoài ra Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Christian Bables - Philippines phim “Tín hiệu trên đỉnh núi”; Giải thưởng BGK cho phim dài “Dân quê” của đạo diễn Vladimir Todorovic - Serbia. Giải Phim ngắn xuất sắc: “Su” của đạo diễn Aizhana Kassymbek - Kazakhstan. Giải Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á - NETPAC trao cho phim “Nữ sinh A” của đạo diễn Lee Kyung-sub - Hàn Quốc; Giải bình chọn phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong Chương trình phim Việt Nam đương đại phim “Chàng vợ của em” - đạo diễn Charlie Nguyễn.

Khép lại một HANIFF 2018 khá sôi động với những tiệc phim quốc tế thật sự đã để cho điện ảnh Việt Nam nhìn lại mình trong nhiều góc độ. Xét riêng về phim truyện điện ảnh - phim dài, một kênh đánh giá chất lượng và sự phát triển điện ảnh quốc gia, các bạn đã mang đến những tác phẩm rất xuất sắc, có chọn lọc kỹ, phần lớn đã đoạt các giải thưởng LHP quốc tế danh giá.

Riêng phim tham dự tranh giải đều mới và cách tiếp cận các vấn đề về cuộc sống đương đại đã vượt tầm quốc gia chạm đến những vấn đề “nóng” toàn cầu, không có phim nào thuộc dòng giải trí hay thị trường. Nhưng điều đáng nói hơn là phim của bạn đậm đặc bản sắc văn hóa quốc gia, để phim như đại diện tiếng nói quốc gia, không lai tạp hay pha trộn. Đó chính là điều cần nhìn lại một cách nghiêm túc.

Thanh Lam biểu diễn tại Lễ bế mạc.

Trong 35 bộ phim Việt Nam đương đại được giới thiệu trong HANIFF 2018 gồm 21 phim truyện được sản xuất từ năm 2016 đến nay: 100 ngày bên em; 11 niềm hy vọng; 49 ngày 2; Bạn gái tôi là sếp; 798 mười; Chàng vợ của em; Chờ em đến ngày mai; Cô Ba Sài Gòn; Có căn nhà nằm nghe nắng mưa; Cô gái đến từ hôm qua; Dạ cổ hoài lang; Đảo của dân ngụ cư; Em chưa 18; Lôi báo; Ở đây có nắng; Sắc đẹp ngàn cân; Song lang; Tháng năm rực rỡ; Vệ sĩ Sài Gòn; Yêu đi đừng sợ; Yêu em bất chấp. Đây chủ yếu là phim giải trí-thị trường, rất ít phim nghệ thuật, điều này cho thấy điện ảnh Việt Nam đang khủng hoảng về việc hướng tới phát triển chất lượng cao.

Ngay như phim tham dự tranh giải của  điện ảnh Việt Nam, nước chủ nhà “Nhắm mắt thấy mùa hè”, một sự đổi mới mang phim đầu tay của một nữ đạo diễn trẻ, nhưng phim có bối cảnh diễn ra tới 90% trên đất Nhật , cho dù thấp thoáng bữa cơm Việt, áo dài Việt thì bản sắc văn hóa Việt trong phim rất nhạt nhòa, chưa kể đề tài thì không mới, phim chỉ như một cuộc tình lãng mạn theo kiều ngôn tình, chứ không đưa ra một vấn đề nào sâu sắc về quan điểm hay tư duy trong cuộc sống để có thể đại diện cho tiếng nói giới trẻ Việt Nam đương đại…, một sự chênh lệch khá lớn với những phim của các bạn tham dự.

Giải quan trọng nhất - phim truyện xuất sắc cho The Dark Room của điện ảnh Iran.

Nhìn gần một chút, điện ảnh Iran, trong HANIFF 2018 đạot giải phim xuất sắc nhất, một quốc gia không giàu có, nhưng một năm họ sản xuất lên đến 150 phim  truyện điện ảnh dài (năm 2018), và gần như “càn quét” các LHP quốc tế danh giá toàn cầu, thu về từ 500- 600 giải thưởng các loại cho điện ảnh quốc gia. Trong HANIFF 2018, đã có hội thảo “Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran”, thiết nghĩ các nhà quản lý, nhà sản xuất, các nhà làm phim điện ảnh Việt Nam nên học kinh nghiệm của họ một cách thiết thực.

2 năm tổ chức HANIFF/lần, theo quy chế mới là phim chưa tham dự các LHP ở châu Á, vậy nên chăng điện ảnh Việt Nam cần có “quỹ” phim để tham dự, tránh chuyện "bắt cóc bỏ dĩa", đưa một phim đại diện mà bản sắc văn hóa Việt đâu đó xa xôi, không thể đại diện cho điện ảnh Việt Nam?./.

Nguồn: CTV Hoài Hương/VOV.VN


    Ý kiến bạn đọc