Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ 29-12-2018 đến 1-1-2019), cả nước xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 110 người, bị thương 61 người; bình quân mỗi ngày khoảng 27 người chết do TNGT. Cũng theo thống kê từ cơ quan chức năng, trong 10 tháng năm 2018 (tính từ ngày 16-12-2017 đến 15-10-2018), cả nước xảy ra 14.845 vụ TNGT, làm chết 6.674 người, bị thương 11.549 người; bình quân mỗi ngày khoảng 22 người chết. Như vậy, tỷ lệ người chết do TNGT 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch cao hơn tỷ lệ bình quân mỗi ngày trong năm. Ngay trong chiều qua (2-1), tại Long An đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm hơn 20 người thương vong.
Ảnh minh họa. TTXVN.
Ngày nghỉ đáng ra phải là ngày vui chơi, giải trí thoải mái của mỗi người, mỗi gia đình. Song từ nhiều năm nay, không ít người tỏ ra ám ảnh vì nghĩ đến những ngày nghỉ lễ, tết là đường sá, giao thông ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn bị ùn tắc, đi lại hết sức khó khăn. Trong khi đó, với nhiều công nhân, thanh niên, công chức, viên chức, người dân lao động, ngày nghỉ thường có tâm lý “ăn chơi” quá đà, chúc tụng nhau quá chén, từ đó nhiều người không kiểm soát được tốc độ khi điều khiển xe máy, ô tô và dẫn tới hậu quả mất an toàn giao thông. Ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết đối với nhiều người, nhiều gia đình vì thế trở nên mất vui, thậm chí trở thành ngày buồn, ngày đau đớn đến tột cùng.
Mất an toàn giao thông tưởng như là vấn đề rất cũ, nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự. Vì bình quân mỗi ngày ở nước ta có hơn hai chục người thiệt mạng, hàng chục người suốt đời mang thương tật vì những sự cố TNGT. Nhiều giải pháp đã được đặt ra, nhiều yêu cầu đối với cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc giữ gìn, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã được tính đến, trong đó có cả việc phải kỷ luật người đứng đầu chính quyền cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nếu để tình hình giao thông trên địa bàn không có chuyển biến rõ nét. Sự đòi hỏi là nghiêm túc như vậy, nhưng mấy ai đã bị xử lý vì liên quan đến vấn đề nóng bỏng này?
Có ý kiến hơi cực đoan khi cho rằng, bớt đi ngày nghỉ lễ, tết thì cũng bớt đi TNGT. Vì cứ vào dịp lễ, tết là nhiều người lại lạm dụng uống rượu, bia, rồi khi ra đường phóng nhanh, vượt ẩu và gây tai nạn. Nhưng đáng nói là, trong số những người bị thương vong không phải ai cũng là “nạn nhân của chính mình”, mà là nạn nhân của sự vô tâm, vô ý, vô trách nhiệm của người khác. Nếu như lực lượng chức năng chỉ lơ là một chút, dễ dãi một chút trong việc xử phạt đối với các trường hợp sai phạm khi tham gia giao thông, thì nguy cơ mất an toàn giao thông vẫn là “điệp khúc buồn” từ năm này qua năm khác.
Người là hoa của đất. Con người là vốn quý nhất. Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Nhận thức là vậy, Hiến pháp hiến định là vậy. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta không nên dừng lại ở việc công bố số liệu TNGT sau mỗi dịp nghỉ lễ, tết, sau mỗi tháng, mỗi quý, mỗi năm để nhằm cảnh báo, răn đe mọi người phải có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong việc bảo đảm an toàn tính mạng cho mình, người thân và cộng đồng. Hơn thế, nhân dân nói chung, những người tham gia giao thông nói riêng luôn mong muốn, đòi hỏi các cơ quan chức năng, các ngành liên quan và những người có trách nhiệm phải có những giải pháp căn cơ hơn nữa, hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa để ngăn ngừa, phòng, chống, giảm thiểu bằng được những tai nạn, thương tích do mất an toàn giao thông gây ra, nhất là vào thời điểm tháng cuối năm âm lịch và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài ngót mười ngày sắp đến.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)