Sớm hiện thực hóa một chủ trương nhân văn
EmailPrintAa
14:23 08/11/2018

Trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề xuất miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở (THCS) trường công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu thực hiện theo đề xuất trên, mỗi năm ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ phải chi thêm 4.730 tỷ đồng. Con số này nhiều hay ít? Thử làm một phép so sánh sẽ ra ngay vấn đề.

Được biết, tổng thu NSNN năm 2017 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, vượt mức Quốc hội giao 5,4%. Như vậy, tiền ngân sách bù học phí cho các đối tượng trên chỉ chiếm hơn 0,36% so với tổng thu NSNN. Cũng theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN năm 2018 dự kiến vượt dự toán 40.000 tỷ đồng, tương đương 3,0% theo Nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ. Có bột mới gột nên hồ. Nguồn thu ngân sách tăng khá đều hằng năm là cơ sở bảo đảm hàng đầu cho việc thực hiện chính sách miễn học phí.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và từ sau năm 2020, sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Chủ trương là vậy, nhưng trên thực tế Nhà nước mới thực hiện chính sách miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn trẻ 5 tuổi học mầm non thuộc diện phổ cập và học sinh THCS vẫn chưa được miễn học phí. Với trẻ em, học sinh ở khu vực đô thị, số tiền đóng học phí có thể không lớn, nhưng đây là gánh nặng đối với hầu hết các gia đình có thu nhập thấp, gia đình nghèo, gia đình tiệm cận chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Rồi nhiều trẻ mầm non, học sinh THCS là con công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất do thiếu trường công nên phải theo học ở các trường ngoài công lập với học phí khá cao, tạo thêm áp lực cho từng gia đình công nhân.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững. Đó là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi ban hành Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII (năm 1996) “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”. Từ đó đến nay, qua các kỳ đại hội, nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, vấn đề GD&ĐT luôn được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Điều 61 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề”.

Như vậy, chủ trương đã có, vấn đề là bây giờ chúng ta cần từng bước đưa chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS đi vào cuộc sống. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi kinh tế-xã hội nước ta đang có chiều hướng phát triển tích cực, nguồn kinh phí bảo đảm hỗ trợ học phí cho học sinh đã ổn định. Mặt khác, việc thực hiện chính sách miễn học phí này không chỉ thể hiện một nền giáo dục ưu việt dưới chế độ XHCN, mà còn khuyến khích, tạo cơ hội cho mọi học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đến trường, đến lớp và không bị bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, trong thời đại văn minh trí tuệ hiện nay, khi nhân loại đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc miễn học phí cũng là một cách động viên, cổ vũ phong trào xây dựng xã hội học tập suốt đời cho mọi người dân.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc