Sự hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong và Miếu thờ tại xã Phú Lộc
EmailPrintAa
09:20 30/07/2018

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, ở Hà Tĩnh đã có nhiều mảnh đất, tên người đã đi vào lịch sử dân tộc với những trang sử vẻ vang, chói lọi, với tinh thần anh dũng, kiên cường. Can Lộc là một trong những vùng đất như thế. Trong những năm tháng chiến tranh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nhân dân Can Lộc đã anh dũng chiến đấu và phục vụ cuộc khánh chiến, ngày đêm đào hầm, đảm bảo thông suốt giao thông, phối hợp với thanh niên xung phong, tổ chức các lực lượng phá bom, đắp đường cứu người, cứu hàng. Trước hoàn cảnh lịch sử đó, Đại đội 555-N55-P18 đã được thành lập để đảm bảo giao thông từ Chợ Đình đến Quốc Lộ 1A, rồi tiếp đến đảm bảo đoạn từ Cầu Già, Cầu Nghèn, Cầu Cao, Cầu Hạ Vàng đến thị xã Hồng Lĩnh.

Quần thể Miếu thờ các liệt sỹ thanh niên xung phong tại xã Phú Lộc

Đại đội 555-N55-P18 chính thức ra đời ngày 10/7/1965, số lượng chiến sỹ lúc ban đầu là 120 đồng chí, sau đó  bổ sung thêm 70 đồng chí điều động từ quân của của Đại đội 557-N55-P18.

Năm 1967, địch tập trung đánh phá ác liệt các trọng điểm xung yếu trên các đoạn đường tránh quốc lộ 1A. Đơn vị 555-N55-P18 được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông đoạn từ Cầu Bạng, cống 19 đến Ngã ba Quán Trại, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Trung ương đoàn, Bộ Giao thông vận tải tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Trong quá trình hình thành, phát triển, qua quá trình luân chuyển, bổ sung cán bộ, Đại đội 555-N55-P18 đã có 6 đồng chí là Đại đội trưởng, luân chuyển thay nhau làm việc. Mặc dù trong đơn vị số tuổi khác nhau, quê quán cũng khác nhau, nhưng có một điểm chung đó là lòng dũng cảm, truyền thống đoàn kết và luôn đưa mục đích bảo vệ đất nước, đánh đuổi kẻ thù lên hàng đầu. Với khẩu hiệu “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, nhiều anh chị em đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hi sinh cả tuổi xuân vì độc lập tự do của dân tộc. Chính vì ý chí chiến đấu đó nên đơn vị đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc.

Đặc biệt, sự kiện đáng ghi nhớ nhất của đơn vị là sự kiện “1972” - sự kiện đã đi vào lịch sử của Đại đội. Sự kiện này được chính sử ghi lại như sau:

Năm 1972, Đại đội 555-N55-P18 được điều động về hoạt động, đóng quân tại vùng đồi Con Cuông, xóm Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc. Nhiệm vụ của toàn đội lúc này là đảm bảo giao thông thông suốt ở cống 19, ngầm Vực Trống và làm đường 70 là đường tránh của cống 19 và đường 15A.

Thời điểm này, địch tập trung đánh phá rất ác liệt nhằm cắt đứt chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, ép chính phủ ta phải ký Hiệp định Pari. Chúng dùng cả máy bay B52 đánh phá ác liệt vào các trọng điểm giao thông xung yếu, đồng thời chúng tập trung đánh phá các đơn vị chủ lực của ta như các đơn vị công binh, các đơn vị giao thông, pháo cao xạ. Mục tiêu của chúng là làm suy yếu tinh thần chiến đấu của nhân dân ta, đồng thời làm tổn thất nguồn lực, gây hoang mang dao động trong quần chúng nhân dân và toàn lực lượng, để đến cuối cùng là chúng buộc ta phải kí Hiệp định Pari.

Nhân dân Can Lộc anh dũng đã chiến đấu hết mình với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường.

18 giờ ngày 13/11/1972, kẻ địch đã dùng máy bay B52 trút liên tục vào địa điểm đóng quân tại đồi Con Cuông, xóm Trà Sơn. Chúng đánh 3 đợt liên tục, đợt đầu tiên chúng trút bom B52, đợt thứ hai chúng cho máy bay bắn đạn Rốc - két và đợt thứ ba chúng thả bom bi, nhằm tàn phá hết người và động vật nơi đây, cắt đứt mạch máu giao thông của nước ta. Một rồi hai, ba phi xăng ở chân đồi bốc cháy, đất đá, cây cối, lán trại bị hất tung, khói lửa mù mịt cả một vùng rộng lớn. Ngay sau đó nhiều tốp máy bay phản lực liên tục đến gầm rú, nhào lộn, trút bom phá, bom sát thương, bom bi, bắn đạn rốc két làm cho ngọn đồi bị xới tung, biến dạng. Trận đánh chia làm 3 đợt của bọn chúng đã khiến vùng đòi Con Cuông không còn một cây, một con vật sống sót, gần 20 lán ở của quân không còn một cái nào, các kho vật tư, lương thực và thực phẩm đều bị bom đạn tiêu hủy với sức tàn phá ghê gớm.

Đau đớn hơn là trong trận đánh đó, đơn vị C555-N55-P18 đã hi sinh 21 đồng chí ở tuổi mười chín, đôi mươi tràn đầy sức sống và hai đồng chí đi tiếp phẩm hi sinh tại ngầm Nhân Lộc. Chỉ trong hai ngày, đơn vị C555-N55-P18 đã hi sinh mất 23 đồng chí. Đau thương mất mát, tổn thất về lực lượng, số còn lại không có gì để ăn và để mặc. Ban chỉ huy đội C555-N55-P18 quyết định cho đơn vị chuyển sang nhờ nhà của dân ở xã Tân Hương, huyện Đức Thọ. Nhân dân ở đây đã hỗ trợ đơn vị ăn ở, sinh hoạt để ổn định. Được sự hỗ trợ của Đại đội 554, 553 và sự tập trung chỉ đạo và sự tập trung chỉ đạo của ban chỉ huy đội 55 đơn vị đã sớm ổn định tổ chức, ổn định tinh thần.

Sau một thời gian không lâu, đơn vị lại chuyển về làm đường và đảm bảo giao thông đường Vượng Lộc, Song Lộ, Kỳ Long - Kỳ Anh, làm đường cho quốc lộ 1A đi qua thị xã Hồng Lĩnh, sản xuất đá ở cống Khánh. Đến năm 1975 kết thúc chiến tranh, các đơn vị thanh niên xung phong được chuyển, sáp nhập, giải thể.

Để tưởng nhớ sự hi sinh anh dũng của các chiến sỹ thanh niên xung phong, khi hòa bình lập lại, hội cựu Thanh niên xung phong, đơn vị C555-N555-P18 cùng với nhân dân đã huy động sức người, huy động của để xây dựng Miếu thờ.

Bái đường

Miếu thờ liệt sỹ thanh niên xung phong tọa lạc trên ngọn đồi Con Cuông - xóm Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc - tại địa điểm xảy ra trận đánh của máy bay Mỹ vào tối ngày 13/11/1972.  Đây là một ngọn đồi thoáng mát, địa hình không quá dốc, phân bố theo thứ tự từ ngoài vào như sau: Cổng vào, Tắc môn, Bái đường, Miếu thờ 23 Liệt sỹ, Miếu thổ địa, Miếu thờ thần nông.

Cổng vào di tích được trang trí trụ nanh, trên trụ nanh trang trí nghê chầu, hai trụ cột viết đôi câu đối như sau:

Tổ quốc nghĩa sắt son

Đồng đội tình chung thủy

Tắc môn tại di tích được trang trí tinh tế, mang tính nghệ thuật cao. Mặt trước trang trí hình nghê bay lượn, xung quanh bao phủ bởi những áng mây, mặt sau trang trí rồng, rất có hồn và đẹp mắt.

Nhà Bái đường và Miếu thờ xây dựng theo phong cách cổ xưa, trên đỉnh nóc trang trí hình lưỡng long triều nguyệt, hai bên bờ mái trang trí hình đao vuốt, lợp mái ngói vảy. Trước cửa Miếu thờ chính có treo đôi câu đối như sau:

Dũng liệt trường xuân xuân bất tận

Hương đời tỏa ngát ngát thiên thu

Miếu thờ là nơi lưu giữ lại hình ảnh của 23 Liệt sỹ đã hi sinh cả cuộc đời mình để bảo vệ quê hương, đất nước. Hình ảnh của các anh, các chị vẫn in sâu trong lòng mỗi người dân chúng ta, linh hồn của họ vẫn đi về phảng phất đâu đây với núi đồi Con Cuông - Vực Trống và với bà con nhân dân Trà Sơn - Phú Lộc.

Nguyễn Minh Đức - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


    Ý kiến bạn đọc