Suy nghĩ về việc cưới…
EmailPrintAa
15:29 07/08/2017

Thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 20/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh nhìn chung đạt được kết quả tích cực. Tuy vậy, ở một số địa phương trong việc cưới còn có những điều đáng suy nghĩ…
 
Ảnh minh họa  

Cuối tuần vừa rồi tôi về quê chơi, vào tới nơi không thấy ai ở nhà, tôi liền gọi điện cho ông anh. Trong tiếng ồn ào của loa máy, tôi nghe anh nói: Chú chờ tý, chắc chị sắp về, còn anh phải đi mừng vài đám cưới nữa! Chờ tới quá trưa anh mới về, còn chị vẫn chưa về. Trong khuôn mặt đỏ gay (có lẽ do hơi men của bia rượu), anh nói: Sáng nay anh phải "chạy sô" tới 3 đám, tưởng chị giao cho anh đi cả rồi, chị chỉ đi một đám ở gần rồi về, nhưng rồi  chắc chị còn dự thêm đám nữa! Anh giải thích cho tôi về việc làng trên xóm dưới có nhiều đám cưới cùng ngày, đối với nông thôn, các gia đình thường chọn tháng này tổ chức đám cưới, vì lúc này đã thu hoạch lúa, lạc, gia chủ mới sẵn đồng tiền để tổ chức; hơn nữa vụ Hè - Thu mới gieo cấy xong, chưa bận rộn.

Ngồi được một lát thì chị về, thấy tôi, chị vừa nói vừa chỉ vào tập giấy mời găm trên cột nhà: Chú xem tập giấy mời vừa nhận, tính ra sáng nay chị chi ra khối tiền để anh chị và cháu (đang tuổi thanh niên) đi mừng! Lúa vụ rồi bị mất mùa, lạc thì rẻ và chưa thấy ai đi mua, lợn và bò thì chú chắc nghe nhiều trên ti vi rồi, không có người mua, nếu có mua cũng rất rẻ. Nếu có sẵn, chú cho anh chị mượn tạm ít triệu, ngày kia còn mấy đám nữa, khi nào bán được lạc chị trả cho chú. Rồi chị cho biết, đám hỏi, đám cưới giờ nhà nào cũng tổ chức ăn uống; nhiều nhà tổ chức linh đình theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” nên mỗi đám mừng ít nhất 150.000 đồng, còn đa số 200.000 đồng. Trước đây bán tạ lạc còn đi mừng được mươi đám cưới, bây giờ không thấy người mua, mà có bán được cũng chỉ đi được dăm đám. Đêm về nghe tiếng loa trong xã, phải hỏi xem đám của ai, nếu chưa có giấy mời cũng phải đi để "trả nợ", không người ta trách ngược trách xuôi. Thành thử trước đây nghe loa công cộng hát thì vui, bây giờ nghe loa hát rộn ràng thì nhiều nhà lo lắng.

Nghe chị nói mà tôi thấy ái ngại cho anh chị, 4 người lớn trong nhà chỉ trông chờ vào 4 sào đất lúa và 2 sào đất màu; trước đây còn nuôi mấy con lợn, bây giờ không nuôi nữa lấy gì chi tiêu hàng ngày và đi mừng cưới, mừng nhà mới, thăm hỏi… Anh chị con cái lớn rồi còn đỡ, những gia đình con cái còn học hành, ốm đau nữa thì sao?  

Chỉ thị số 27  của Bộ Chính trị “về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hộiban hành cách đây 20 năm, Chỉ thị số 20 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hộiban hành cách đây hơn 5 năm thế nhưng một số địa phương tổ chức thực hiện chưa thật sự nghiêm túc, để nhiều đám mở nhạc quá giờ quy định, lạm dụng rượu bia, khách mời quá đông...  

Bên cạnh đó, một số địa phương tổ chức đám cưới đầm ấm, vui vẻ, chỉ làm tiệc ngọt, nên cả gia chủ và khách đều đỡ chi phí. Đây là cách làm hay cần được nhân rộng. Mong rằng trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện việc cưới văn minh, vui tươi, tiết kiệm.

Dương Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh


    Ý kiến bạn đọc