"Thêm tiêu chí tự trọng khi bầu Chủ tịch VFF"
EmailPrintAa
07:37 03/04/2013

Hội CĐV Việt Nam cho rằng: 'Những ai có lòng tự trọng chắc chắn sẽ hành động có trách nhiệm khi ngồi vào các vị trí quan trọng'. Dưới đây là tâm thư gửi VFF của Phó chủ tịch Trần Song Hải.

Sở dĩ nói đến tiêu chí tự trọng bởi lẽ trong quá khứ có không ít người mắc căn bệnh đổ thừa. Nhiều vụ việc nằm trong tầm quản lý của mình nhưng người ta vẫn cứ chối phăng và đổ trách nhiệm cho người khác. Khi ông Nguyễn Trọng Hỷ làm Chủ tịch VFF, ít nhất là ở các lần thất bại tại SEA Games và AFF cup, có không ít vị ở cấp cao và cả cấp dưới của Liên đoàn đều thiếu dũng khí trước những kết quả tệ hại của bóng đá nước nhà: thất bại ở chung kết SEA Games 2009, SEA Games 2011, AFF Cup 2010, 2012 tất cả đều trút lên đầu HLV - vị trí rất quan trọng nhưng khi cần thì người ta sẵn sàng biến thành "tốt thí".

Còn nhớ sau SEA Games 2011, VFF đã sa thải HLV Falko Goetz ngay khi ông còn chưa trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ phép, nhằm giải tỏa sức ép dư luận và làm nguội hơi nóng từ chiếc ghế của một vài quan chức. Đến khi thấy không xong, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn mới là người tiếp theo tuyên bố từ nhiệm. Nhưng sự ra đi này cũng chẳng phải vì lòng "tự trọng" của một vị Trưởng đoàn khi ấy mà bởi những vấn đề hậu trường và để tạm thời xoa dịu dư luận. Thực tế chứng minh, sau thời gian "núp bóng", giờ đây ông Tuấn lại xuất hiện trong danh sách ứng viên cho vị trí Tổng thư ký VFF khoá VII mà nghe đâu cũng "không có đối thủ" trong cuộc bầu chọn tới đây vì nhờ có mối "quan hệ" tốt".

Trong khi đó, sau vụ loạn đả trên sân Vinh ở mùa giải 2008 dẫn đến sự cố một CĐV thiệt mạng, nhiều người đã đưa ra ý kiến xóa sổ V-League vì nó quá lùm xùm và tai tiếng. Vụ việc đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi phải rời ghế nóng một cách… miễn cưỡng. Sự thật thì ông Khôi là người có năng lực tổ chức, nhưng cách làm của ông cũng đã dần đi vào lối mòn, thậm chí, các trọng tài và giám sát tại Việt Nam rất sợ quyền lực cứng và mềm của ông này. Tháng 8/2011, sau sức ép của bầu Kiên tại Hội nghị tổng kết mùa giải và áp lực từ dư luận, ông Khôi phải chia tay vị trí trưởng ban tổ chức giải lần hai.

Từ năm 2000, khi bắt đầu làm bóng đá chuyên nghiệp đến nay đã 13 năm, con tàu bóng đá Việt Nam vẫn chuyển động như "rùa bò" cũng vì cách hành xử còn chưa "tự nguyện" của những người có trách nhiệm. Nhiều người am hiểu bóng đá nước nhà cho rằng, lý do không phải những người làm bóng đá chưa biết cách làm, thậm chí họ còn được tiếp cận, được học tập mô hình phát triển ở các quốc gia có nền bóng đá tiên tiến…. Thế nhưng vì quyền lợi cá nhân, họ không dại dột chịu dấn thân hay chịu "cày" vì tương lai bóng đá nước nhà mà vẫn "tham quyền cố vị" dù rằng cũng chưa bao giờ họ làm việc đến nơi đến chốn.

Ngoài ra, trong quá khứ cũng có không ít vị trí thuộc hàng then chốt, có ảnh hưởng đến "sinh mệnh" bóng đá Việt Nam nhưng lại thiếu lòng tự trọng mà trách nhiệm thì cũng không cao đã dẫn đến thực tế bóng đá nước nhà rơi vào tình trạng "phú quý giật lùi" trong mấy năm trở lại đây. Có không ít vụ việc, các vị trong Liên Đoàn thay vì nỗ lực chống tiêu cực để chấp nhận làm lại, giúp lành mạnh hóa bóng đá nước nhà thì họ lại "ném chuột sợ vỡ bình" do tư duy nhiệm kỳ, chỉ biết chạy theo thành tích trước mắt để rồi dư luận có cảm giác như họ "thỏa hiệp" với tiêu cực vậy.

Thực chất có rất nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận hâm mộ còn tồn tại nhưng nó vẫn cứ "sống vui, sống khỏe" mà VFF thì thiếu thuốc đặc trị, khiến nhiều người cứ nghe nói đến bóng đá Việt Nam là luôn lắc đầu ngao ngán.

Với những gì đã diễn ra, bóng đá Việt Nam rất cần những con người có đủ dũng khí để đưa ra chiến lược vĩ mô, hiệu quả và có tính quyết đoán cao. VFF phải là tập hợp của những con người dám chịu trách nhiệm mà lòng tự trọng phải là "thanh âm" chủ đạo trong bản nhạc được trỗi lên bởi "dàn hợp xướng" mới của khóa VII. Bởi lẽ, lòng tự trọng luôn dẫn dắt người ta đến cách hành xử sao cho phải phép, giống như vị tướng thất trận trở về và chấp nhận cúi đầu chịu tội trước đấng Quân vương với khí phách của người quân tử dám làm, dám chịu. Những ai có lòng tự trọng chắc chắn sẽ hành động có trách nhiệm khi ngồi vào các vị trí quan trọng chứ không thể lơ là hay vì quyền lợi riêng mà gây tổn hại cho cái chung.

Nếu vậy, VFF khóa VII phải có những con người mới được bầu ra trên tinh thần bầu cử dân chủ trực tiếp, mới mẻ và công khai để loại bỏ lối tư duy cũ, cách làm cũ… Trong bối cảnh đó, những ai có liên quan đến "cái cũ" càng không nên "tái xuất" để khỏi phải bị lạc lõng và phá hỏng thanh âm của "bản hòa tấu" được phối nhịp bởi "dàn hợp xướng" mới. Thành ra, bên cạnh các tiêu chí cơ bản, một người muốn chen chân vào các vị trí của VFF khóa mới phải được xét chọn dựa trên tiêu chí "tự trọng" nữa. Còn để thẩm định ai đó có lòng có tự trọng hay không thì các đại biểu của kỳ Đại hội tới hãy nhìn lại các hành xử của ứng viên trong quá khứ để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chính xác từ lá phiếu của mình.

Bóng đá Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn trong nhiệm kỳ VII, chúng ta phải xây dựng lại Liên đoàn bóng đá Việt Nam một cách bài bản với những con người mới vững bước trên con "đường... hoàng" và thực sự là một tổ chức xã hội hóa. Người hâm mộ chúng tôi không thể nghe mãi điệp khúc rút kinh nghiệm, hay rút ra những bài học sâu sắc như trước được. Xin các ứng cử viên thiếu tiêu chí này hãy tìm việc ở những nơi khác phù hợp hơn với chuyên môn của các ông.

 

Ngay sau SEA Games 2011 thất bại của U23 Việt Nam, ông Hải đại diện cho Hội CĐV Việt Nam viết tâm thư mong muốn Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn và HLV Falko Goetz nên vì lòng tự trọng mà từ chức. Bức thư gây tiếng vang lớn và góp phần tạo nên sức ép buộc VFF phải tiến hành cải tổ. Tuy vậy, thất vọng trước hành xử né tránh trách nhiệm của VFF sau đó, ông Trần Song Hải, khi đó là Hội trưởng Hội CĐV TP HCM ước có một chai rượu Noel đậm đà lòng tự trọng để mời Chủ tịch và Tổng thư ký VFF.


    Ý kiến bạn đọc