Thực hiện tốt hơn nữa quyền trẻ em
EmailPrintAa
15:33 31/05/2019

Trẻ em là đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Trong mọi mặt đời sống, vấn đề khiến xã hội lên án gay gắt, thậm chí phẫn nộ nhất chính là những vụ việc mà trẻ em là đối tượng bị xâm hại và vô nhân đạo nhất là tước đi quyền sống của trẻ.

Trẻ em hầu như không có cơ hội bày tỏ ý kiến về các quyết định của cộng đồng, ngay cả chính những quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tinh thần và tình cảm của trẻ. Bởi vậy, chăm sóc và bảo vệ trẻ em (CSVBVTE) luôn là vấn đề thời sự của xã hội.

Bằng sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã xây dựng được hệ thống luật pháp chặt chẽ để bảo vệ trẻ em, trong đó phải kể đến Luật Trẻ em. Cùng với đó, Nhà nước cũng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các cam kết thực hiện công ước quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em. Chúng ta đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ quyền trẻ em cả về khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách... cùng những chương trình hành động cụ thể. Dù vậy, để hệ thống pháp luật CSVBVTE được thực thi hiệu quả thì vẫn cần rất nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, có những đánh giá sát thực hơn về công tác CSVBVTE. Chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, như: Tỷ lệ trẻ em được đến trường ngày càng cao, chất lượng dinh dưỡng, điều kiện học tập, sinh hoạt và vui chơi của trẻ em tốt hơn... Nhưng bên cạnh đó vẫn liên tục xảy ra những vụ đuối nước thương tâm với trẻ em; những vụ bạo hành, xâm hại tình dục, hành hạ trẻ em chưa giảm. Có những vụ việc gây chấn động tâm lý xã hội khi nhiều trẻ em ngây thơ, vô tội bị bạo hành, thậm chí bị cướp đi mạng sống. Với những đứa trẻ bị bạo hành, bị xâm hại thì ám ảnh tâm lý sẽ theo các em trong suốt cuộc đời. Một thực tế là các điều kiện bảo đảm cho trẻ em được thực hiện các quyền cơ bản, trong đó có quyền được bảo vệ chưa theo kịp sự biến đổi xã hội và nhu cầu của các em. Với trẻ em ở vùng cao, vùng khó khăn, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt thì cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, thụ hưởng có chất lượng vẫn còn nhiều rào cản.

Để thực thi pháp luật CSVBVTE hiệu quả cần rất nhiều giải pháp, sự chung tay của cộng đồng. Trên thực tế, hệ thống pháp luật về CSVBVTE của nước ta rất đầy đủ, chặt chẽ, tuy vậy, để thực thi đòi hỏi cần đẩy mạnh thực chất công tác truyền thông, phổ biến rộng rãi. Việc tuyên truyền cần phù hợp thực tế để luật dễ hiểu, dễ tiếp thu. Luật cần đến được mọi tầng lớp, mọi đối tượng, từ cơ quan chức năng, người có trách nhiệm đến các gia đình, nhà trường và rộng hơn là xã hội. Đi liền với tuyên truyền luật, phải thực hiện nghiêm các chế tài luật. Mọi vụ việc vi phạm quyền trẻ em đều phải được xử lý nghiêm minh, thượng tôn pháp luật.

Điều quan trọng nữa là trách nhiệm của cộng đồng trong CSVBVTE. Chính cộng đồng là kênh giám sát quá trình thực thi pháp luật tốt nhất. Cùng với đó, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở cần phát huy tốt vai trò quản lý, tiếp thu và xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em, bởi đây là nơi quản lý, bảo vệ trẻ em trực tiếp nhất.

Một yếu tố cũng rất cần được chú trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, quản lý, CSVBVTE, đặc biệt là trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết để có thể tự hoàn thiện, tự biết bảo vệ mình.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em được tổ chức ngày 6-8-2018, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định: Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc