Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các ý kiến chất vấn, tranh luận của đại biểu đã tập trung vào những vấn đề hết sức cụ thể trong lĩnh vực y tế, thông tin và truyền thông, giáo dục, văn hoá… Đây là những lĩnh vực có vị trí hết sức quan trọng trong mô hình phát triển bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các ý kiến chất vấn, tranh luận của đại biểu đã tập trung vào những vấn đề hết sức cụ thể trong lĩnh vực y tế, thông tin và truyền thông, giáo dục, văn hoá… Đây là những lĩnh vực có vị trí hết sức quan trọng trong mô hình phát triển bền vững.
"Các ý kiến được đại biểu nêu vừa khái quát, mang tính đại diện, căn bản, nhưng cũng chỉ ra những tồn tại, bức xúc, mang tính cấp bách trong xã hội và đòi hỏi của cử tri, nhân dân cả nước, song tiến độ giải quyết chưa đáp ứng được yêu cầu", Phó Thủ tướng nói.
Qua phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, liên ngành giữa các lĩnh vực để giải quyết những tồn tại, hạn chế một cách căn cơ.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp với căn cứ chính trị rõ ràng bằng các nghị quyết của Trung ương, có chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể trong từng lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, xã hội…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần hình thành các trung nghiên cứu khoa học công nghệ đủ mạnh, từ nghiên cứu cơ bản làm tiền đề cho nghiên cứu và triển khai (R&D) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng đã trao đổi với các đại biểu Quốc hội một số vấn đề cần cách tiếp cận liên ngành, tổng thể.
Về năng suất lao động, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định, chương trình với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong trong từng lĩnh vực (công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp), đề ra nhiều giải pháp, đặc biệt là khẩn trương thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế từ khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn carbon thấp; đồng thời ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như là nguồn tài nguyên, động lực mới cho phát triển; hoàn thiện thể chế phục vụ cho quá trình chuyển đổi kinh tế xanh, năng lượng xanh...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới toàn diện lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hình thành các trung nghiên cứu khoa học công nghệ đủ mạnh, từ nghiên cứu cơ bản làm tiền đề cho nghiên cứu và triển khai (R&D). "Công tác quản lý khoa học công nghệ cần được chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó nhấn mạnh vai trò của Nhà nước đầu tư những trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản (tự nhiên, xã hội); đồng thời phân cấp, có cơ chế để huy động và khuyến khích R&D với trung tâm là các doanh nghiệp", Phó Thủ tướng trao đổi.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng khẳng định phải kiên định thực hiện thực hiện chủ trương của Đảng coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, có nhiệm vụ hết sức quan trọng để chuẩn bị cho nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế.
Cùng với việc đổi mới toàn diện chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chủ trương về xã hội hoá giáo dục, tự chủ đại học, bảo đảm số lượng, chất lượng cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần có sự thay đổi về cơ chế kinh tế chứ không phải là của riêng ngành giáo dục.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Giải quyết thoả đáng mối quan hệ xã hội hoá trong đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục, với việc bảo đảm và tăng đầu tư Nhà nước cho vùng sâu, vùng xa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) về tình trạng thiếu giáo viên, nhưng vẫn thực hiện cắt giảm viên chức giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng cần xem xét từ khâu dự báo, nhu cầu, quy hoạch của ngành giáo dục, cũng như việc sắp xếp, quy hoạch trường, lớp, và bố trí dân cư ở vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn đi kèm với đầu tư hạ tầng xã hội như giáo dục là hết sức quan trọng.
"Bên cạnh những cơ chế, chính sách để huy động đội ngũ giáo viên, đào tạo tại chỗ, chúng ta cần giải quyết thoả đáng mối quan hệ xã hội hoá trong đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục, với việc bảo đảm và tăng đầu tư Nhà nước cho vùng sâu, vùng xa", Phó Thủ tướng nói.
Trong lĩnh vực văn hoá, Phó Thủ tướng khẳng định, cùng với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, cần nghiên cứu về mặt lý luận về tính vật chất của văn hoá được thể hiện qua ngành công nghiệp văn hoá, trong chuyển đổi số, trong thế giới ảo… "Chính phủ sẽ trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, trong đó đề cập cả những vấn đề về nhận thức, lý luận, cũng như những nhiệm vụ ưu tiên để có thể xây dựng văn hoá xứng đáng với vị trí, vai trò hết sức quan trọng".
Phó Thủ tướng cho biết, với các ý kiến còn lại của đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp thu, nghiên cứu, có báo cáo, triển khai trong thời gian sắp tới.
Nguồn: Minh Khôi/chinhphu.vn
Tin mới cập nhật
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới ( 17/01)
- Công tác khuyến học của tỉnh Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 ( 08/01)
- Khai mạc Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ( 26/12)
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)