Tiếp dân thực chất
EmailPrintAa
16:23 24/12/2020

Tiếp dân là công việc rất quan trọng, không chỉ nhằm giải quyết khiếu nại, tố cáo, mà còn nhằm tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị từ nhân dân để phát huy và củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tổng hợp trí tuệ của nhân dân phục vụ công tác xây dựng, bảo vệ đất nước.

Bởi vậy, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng việc tiếp dân, ban hành nhiều quy định về tiếp dân, gần đây nhất là Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Luật Tiếp công dân năm 2013...

Thực tế, công tác tiếp dân đã được thực hiện rất nghiêm túc ở nhiều cấp, ngành. Nhờ vậy, nhiều vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Ví dụ, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương vẫn tiếp tới 10.857 lượt công dân đến trình bày về 2.583 vụ việc, có 347 đoàn đông người; tiếp nhận 12.295 đơn thư, đã xử lý 12.117 đơn. Trung bình, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tiếp khoảng 44 người, tiếp nhận khoảng 50 đơn thư và xử lý khoảng 49 đơn thư trong mỗi ngày làm việc; tiếp khoảng 3 đoàn đông người trong hai ngày làm việc. Từ những cuộc tiếp dân như thế này, nhiều vấn đề, thông tin đã được tiếp nhận, giải quyết, trả lời thấu đáo, giảm đáng kể những vụ việc khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Ảnh minh họa: TTXVN

Kết quả tiếp dân ở cấp Trung ương cho thấy, có những vụ việc khiếu nại, tố cáo mặc dù đã có kết quả giải quyết có tình, có lý, có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền, hoặc không có cơ sở pháp lý nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện. Tuy nhiên, cũng có những vụ việc khiếu nại, tố cáo có cơ sở, cần được giải quyết-điều này cho thấy, công tác tiếp dân ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Mới đây, khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã thẳng thắn nhắc tới tình trạng tiếp dân theo kiểu đối phó, chỉ mời người ủng hộ đến để tung hô, ngợi khen; ngăn cản người có nhu cầu thực sự tới dự tiếp dân. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều vấn đề không được giải quyết rốt ráo, người dân phải lên tận Trung ương để khiếu kiện, kiến nghị.

Để giải quyết vấn đề, cơ quan tiếp dân ở Trung ương cần phân loại rõ loại ý kiến, đơn thư nào đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật mà người dân vẫn không chấp nhận để giải thích, tuyên truyền; loại nào thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương thì hướng dẫn người dân, hoặc làm thủ tục chuyển đơn thư; loại nào thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân đã có ý kiến ở địa phương nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật thì chuyển tới cấp có thẩm quyền đề nghị xử lý trách nhiệm với người đứng đầu không chấp hành nghiêm quy định tiếp dân.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần bố trí thời gian thực hiện nghiêm quy định tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; gặp gỡ, đối thoại công khai, công bố kết quả giải quyết để cộng đồng hiểu rõ vấn đề, không bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm khắc đối tượng cố tình lợi dụng việc tiếp dân, đối thoại với dân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây rối, gây mất trật tự an ninh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nếu việc tiếp dân được thực hiện một cách thực chất, công khai để người dân trực tiếp giám sát thì mọi vấn đề dù khó cũng có thể được giải quyết ổn thỏa.

Nguồn: Chiến Thắng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tiep-dan-thuc-chat-647402 )


    Ý kiến bạn đọc