Tiếp tục chấn chỉnh, lập lại trật tự trong hoạt động lễ hội
EmailPrintAa
16:31 02/03/2017

So với mọi năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong dịp đầu năm nay đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số nạn tiêu cực tại các lễ hội lớn ở không ít địa phương vẫn chưa được giải quyết triệt để, tiếp tục tạo nên những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
 

Lễ hội vật truyền thống làng Thủ Lệ (Thừa Thiên - Huế) thu hút du khách bởi nét đẹp văn hóa và giàu tinh thần thượng võ. Ảnh: Nguyễn Văn Dũng

 

Tại hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Ðinh Dậu năm 2017 vừa qua, Cục trưởng Văn hóa Cơ sở Trịnh Thị Thủy nêu rõ: Nhìn chung, các sinh hoạt lễ hội truyền thống trong dịp đầu Xuân vừa qua đã đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Phần lớn các lễ hội không còn để xảy ra việc đổi tiền lẻ công khai hoặc các tai nạn, cháy nổ; tình trạng nâng giá, ép giá, tệ nạn cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh, ăn xin… đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước. Ðể có những chuyển biến tích cực nêu trên, thời gian qua, ngành văn hóa và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt ngăn chặn tình trạng bạo lực, phản cảm trong các lễ hội và đạt được kết quả bước đầu. Các thay đổi tiến bộ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết đình Ðông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không có nội dung cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã áp dụng hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực vui chơi bảo đảm cho lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; Lễ hội Ðông Cuông xã Thanh Khương (Yên Bái) đã bỏ tục treo cổ trâu; 90 làng người dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang (Quảng Nam) bỏ tục đâm trâu; Lễ hội đền Trần (Thái Bình) không tổ chức lễ phát ấn…

Những kết quả bước đầu này có thể đem đến những bài học kinh nghiệm, qua đó nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, tổ chức và nhân dân. Trong việc phục hồi lễ hội truyền thống phải kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tích cực và tốt đẹp. Giữ gìn bản sắc của lễ hội, nhưng nên có những thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại. Hiện tại, ở nhiều nơi vẫn còn để xảy ra tình trạng không ít người nhân danh "truyền thống" để khôi phục cả những mặt tiêu cực và lạc hậu. GS, TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa cảnh báo: Ðừng nghĩ năm nay quản lý tốt thì sang năm không xảy ra những vấn đề lộn xộn. Hoạt động lễ hội hiện không còn trong phạm vi của làng xã mà có những lễ hội đã mở rộng phạm vi, thu hút du khách, người hành hương trong cả nước. Khi lượng người tham gia quá đông thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề bất cập, quan trọng là tổ chức như thế nào để tránh được các bất cập với sự định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Vấn đề giữ hay bỏ các yếu tố trong lễ hội truyền thống hiện khá phức tạp đòi hỏi sự nhận định, đánh giá một cách khoa học của nhà quản lý, tổ chức và các chuyên gia, đồng thời phải tạo được sự đồng thuận của nhân dân các địa phương. Phải kiên trì và thực hiện một cách quyết liệt thì mới tạo được sự chuyển biến tích cực. Thật ra, những vấn đề tiêu cực của lễ hội truyền thống đã tồn đọng từ nhiều năm nay và chưa thể giải quyết dứt điểm. Trong Chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cũng nêu lên các vấn đề tiêu cực, trong đó nhấn mạnh nhiều hoạt động tổ chức lễ hội vẫn còn biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Một số địa phương còn tùy tiện trong việc cấp phép, nâng cấp, tăng tần suất, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội; phục dựng lễ hội truyền thống không đúng, làm sai lệch các nghi thức truyền thống. Một số lễ hội còn tồn tại những tập tục cũ không phù hợp, gây phản cảm như: chém lợn, treo trâu; phô diễn, trình diễn "biểu tượng, linh vật khí" một cách thái quá; chen lấn xô đẩy để cướp lộc, cướp ấn, cướp hoa tre…; tranh giành, đeo bám khách du lịch làm mất an ninh trật tự; lợi dụng biến tướng các trò chơi thành đánh bạc; việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội còn yếu kém như đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn trong lễ hội; công tác vệ sinh môi trường và thu gom rác thải một số nơi làm chưa tốt. Một số cơ quan buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, tham gia lễ hội trong giờ làm việc, sử dụng xe công đi lễ hội...

Ðể khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong lễ hội, tại hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Ðinh Dậu 2017, theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ngành văn hóa và các địa phương cần tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trước mắt, cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng về thực trạng, nguyên nhân về những tiêu cực còn tồn đọng dai dẳng, đề ra các biện pháp giải quyết kiên quyết, chứ không làm hình thức, qua loa và phải quy trách nhiệm cụ thể. Những địa phương nào không được cấp phép mà vẫn tổ chức lễ hội thì phải có hình thức xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng như tổ chức lễ hội chọi trâu không được cấp phép ở xã Phúc Ninh, Yên Sơn, Tuyên Quang vừa qua…Về lâu dài, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, cần xây dựng, triển khai các giải pháp hiệu quả và lâu dài trong công tác quản lý lễ hội, bảo đảm công tác tổ chức quản lý năm sau phải tốt hơn năm trước.

Những tiêu cực vẫn tồn tại từ lâu nay ở các lễ hội không thể giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn và cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chứ không chỉ riêng ngành văn hóa. Bên cạnh điều kiện tổ chức một số lễ hội còn khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, còn có những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực của lễ hội là quan điểm lệch lạc, đề cao tính thương mại tại các lễ hội, trong khi nhận thức của người tham gia lễ hội chưa cao, chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc đi lễ đầu năm, biến việc đi lễ thành việc "buôn thần bán thánh" để mua danh và lợi hoặc vô ý bỏ qua mọi quy định tại chốn linh thiêng. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền kèm theo những chế tài đủ mạnh để đưa lễ hội vào trật tự, văn minh.

Theo nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc