Tỉnh Hà Tĩnh với công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
EmailPrintAa
08:32 03/11/2020

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chúc mừng Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 03 văn bản hướng dẫn học tập, quán triệt và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 03 nghị quyết, trong đó Nghị quyết số 13/2005/NQ-HĐND, ngày 16/7/2005 “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số, gia đình và trẻ em giai đoạn 2005 - 2010”, hàng năm trích 0,1% trong tổng chi ngân sách thường xuyên của tỉnh để đầu tư cho các hoạt động về công tác dân số, gia đình và trẻ em. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 18 văn bản, đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án, chương trình hành động, chiến lược Quốc gia về công tác gia đình phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh trong từng giai đoạn. Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chương trình hành động, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều địa phương, đơn vị đưa nội dung công tác gia đình vào hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư, quy chế công sở, xem đây là tiêu chí quan trọng để bình xét, công nhận gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về gia đình và công tác gia đình được tăng cường; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11), Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức Lễ vinh danh “Gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh”, các cuộc thi, hội thi “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc tỉnh Hà Tĩnh”, “Tìm hiểu kiến thức về giáo dục đời sống gia đình”…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 258 lớp tập huấn liên quan đến nội dung bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức trên 250 lớp tập huấn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho gần 30.000 lượt báo cáo viên, cán bộ Hội các cấp, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng gần 500 chuyên đề, chuyên mục; Báo Hà Tĩnh thực hiện hơn 1.400 tin, bài, ảnh tuyên truyền công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Đến nay, 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên gia đình ở thôn, xóm, tổ dân phố. Toàn tỉnh có trên 600 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình do các cấp hội phụ nữ thành lập, điều hành; có 17 mô hình điểm về gia đình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các địa phương thành lập; có hơn 350 cơ sở khám, chữa bệnh có bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình; gần 2.300 tổ hòa giải với hơn 15.000 hòa giải viên cơ sở.

Cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, phong trào phòng, chống tệ nạn xã hội từ trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình... được đẩy mạnh. Tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng, đến nay đạt 89,98%, tăng 25,98% so với năm 2005. Số vụ bạo lực gia đình giảm (năm 2008, toàn tỉnh có 359 vụ bạo lực gia đình, năm 2019 có 68 vụ); đời sống vật chất và tinh thần của của các hộ gia đình được nâng lên.

Thôn Kim Tân (xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) tổ chức ký kết thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay về công tác gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu; quan tâm chăm sóc phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người nghèo, khuyết tật, không nơi nương tựa; tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản, tư vấn tiền hôn nhân, tổ chức đăng ký xây dựng và thực hiện tốt tiêu chí gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gia đình văn hoá. Các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, thành phố Hà Tĩnh, Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh… đã biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi…

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa tích cực phối hợp tổ chức thực hiện công tác gia đình. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác xây dựng gia đình chưa đầy đủ, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Việc tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về gia đình và công tác gia đình , nhất là đối với vùng khó khăn, đông dân, đồng bào theo đạo, có mức sinh cao chưa thường xuyên. Công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa chặt chẽ; xã hội hoá công tác gia đình hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp, nhất là ở cấp xã chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Kinh phí cho công tác gia đình chưa đáp ứng yêu cầu, cấp xã hầu như chưa có; chế độ phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên gia đình còn thấp. Hoạt động của ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp chưa thường xuyên. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình chưa đồng bộ. Số vụ bạo lực gia đình tuy giảm, nhưng số vụ tính chất nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng…

Thời gian tới, cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW và Thông báo kết luận số 26-TB/TW, ngày 09/5/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW. Nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể đối với việc thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình. Đưa công tác gia đình vào chương trình, kế hoạch hoạt động của cấp ủy, chính quyền ở địa phương. Tiếp tục tuyên truyền, chủ trương, chính sách, pháp luật về gia đình và công tác gia đình; kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác gia đình các cấp; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đồng thời kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng việc tổ chức thực hiện công tác gia đình. Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động và tăng cường các nguồn lực cho công tác gia đình; phát huy vai trò của nam giới trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng gia đình văn hoá, làng, xã, thôn, tổ dân phố văn hoá gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Thực hiện chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho gia đình chính sách, gia đình nghèo, gia đình dân tộc thiểu số; chính sách trợ giúp xã hội đối với các gia đình gặp rủi ro, thiên tai, gia đình neo đơn, gia đình có người khuyết tật.

Nguyễn Thị Nga (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)


    Ý kiến bạn đọc