Tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 300 năm Năm sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-2023)
EmailPrintAa
17:57 23/10/2023

Ngày 21/10/2023, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 300 năm Năm sinh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723 - 2023). La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp sinh năm 1723, mất năm 1804. Ông sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt thành danh ở làng Mật (xã Nguyệt Ao), nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Toàn cảnh hội thảo khoa học “La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Việt Nam”

Sáng ngày 21/10/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-2023) trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Việt Nam”. Hội thảo đã nhận được gần 60 tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong cả nước. Một số tham luận tập trung nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp như: “La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp” (Thạc sỹ Nguyễn Văn Biểu), “La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp - con người và sự nghiệp” (Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Đức Khuông, Hoàng Nhật Minh); “Góp phần tìm hiểu cội nguồn La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp sau 300 năm qua các nguồn tư liệu” (Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Văn Nho)…; làm rõ sự ảnh hưởng của quê hương, dòng họ, các mối quan hệ lịch sử hình thành nên nhân cách, tài năng của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp như: “Làng Cương Gián và những cuộc di cư của các cự tộc trong lịch sử” (Tiến sĩ Võ Hồng Hải), “Về cuốn gia phả dòng họ Nguyễn ở làng Mật Thiết” (Thạc sĩ Bùi Đức Hạnh), “Quê hương Nghệ Tĩnh trong tấm lòng La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp” (Thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ), “Ảnh hưởng của quê  hương, gia đình và dòng họ đến La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp” (Tiến sĩ Mai Phương Ngọc, Vang Thị Kim Yến)… Đồng thời, các tham luận làm rõ những đóng góp to lớn của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đối với lịch sử, văn hóa dân tộc; đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của danh nhân Nguyễn Thiếp nói riêng và văn hóa Hà Tĩnh nói chung trong thời gian tới.

Theo nội dung các tham luận, bằng trí tuệ uyên thâm, Nguyễn Thiếp đã phò vua Quang Trung, góp phần quan trọng đánh bại 29 vạn quân Thanh, sau đó chấn hưng, xây dựng đất nước. Ông dốc sức giúp việc thi cử, tuyển chọn nhân tài, chọn đất lập đô. Dưới triều đại Quang Trung, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã dành nhiều tâm sức dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức một thời của nước ta. Những giá trị văn hóa, giáo dục, tư tưởng hội tụ đầy đủ trong con người La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã khẳng định ông là một một bậc túc nho chính trực vì nước vì dân, một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên thâm. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp xứng đáng là một nhà hiền triết, nhà giáo có vai trò quan trọng đối với nền văn hóa, giáo dục Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Năm 2016, cùng với các danh nhân: Đại thi hào Nguyễn Du, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tỉnh Hà Tĩnh đã chọn La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp để đúc tượng và đưa vào thờ tại Văn Miếu Hà Tĩnh.

Đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Nguyễn Thiếp

Chiều ngày 21/10/2023, tại đền thờ Nguyễn Thiếp (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh tổ chức dâng hương tưởng niệm danh nhân La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tưởng nhớ, tri ân những đóng góp to lớn của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp đối với triều Tây Sơn nói riêng, với văn hóa và lịch sử nước nhà nói chung; nguyện gìn giữ, phát huy, lan tỏa những giá trị di sản của danh nhân Nguyễn Thiếp.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm

Tối ngày 21/10/2023, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm Năm sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp trong đó có Chương trình nghệ thuật “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - Danh bất hư truyền” nhằm ca ngợi vùng địa linh nhân kiệt đã sinh ra bậc hiền tài; khắc họa đức tài và sự cống hiến, công lao phò vua, giúp nước của La Sơn Phu Tử cũng như những đóng góp to lớn của ông với triều đại Tây Sơn; mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng, niềm tự hào về lịch sử, truyền thống của quê hương, con người Hà Tĩnh.

Nguyễn Thị Nga (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch)


    Ý kiến bạn đọc