Tổ chức thành công Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV năm 2018
EmailPrintAa
16:55 30/08/2018

Từ ngày 25/8/2018 đến ngày 28/8/2018, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV năm 2018.

Ban Tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham dự Liên hoan.

Tham gia Liên hoan có 24 câu lạc bộ ví, giặm (trong đó Hà Tĩnh có 13 câu lạc bộ, Nghệ An có 11 câu lạc bộ) với 72 tiết mục của hơn 600 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công đến từ 2 tỉnh thể hiện. Chủ đề của liên hoan năm nay là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống và phản ánh phong trào thi đua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mỗi tiết mục dự thi có thời lượng tối đa 30 phút, trong đó phải có 50% yếu tố nguyên gốc về không gian, hình thức diễn xướng (kể cả trang phục, đạo cụ) gồm các thể loại như hát ví, giặm Nghệ Tĩnh; 50% lời mới có thể sử dụng làn điệu cải biên, có tính phổ biến.

Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV năm 2018 diễn ra rất sinh động. Nhiều tiết mục được các câu lạc bộ dàn dựng công phu về đạo cụ, trang phục, tiêu biểu như tiết mục “Nhủi vó nên duyên” của Câu lạc bộ ví giặm xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh); tiết mục Trai làng mộc - Gái Bằng Sơn của Câu lạc bộ ví giặm xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh); tiết mục diễn xướng hát cuộc Làng bún của Câu lạc bộ ví giặm xã Tân Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An)…

Liên hoan đã thể hiện sinh động nhiều như nghề truyền thống của hai tỉnh như nghề làm bánh mướt, bánh tráng, nghề làm bún, nghề đan… Bên cạnh những nghệ nhân cao tuổi, có nhiều tài năng trẻ như bé Khánh Hà (Câu lạc bộ ví giặm xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), bé Đình Đạt (Câu lạc bộ ví giặm xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), bé Trà Mi (câu lạc bộ ví giặm phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An)… Nhiều nhạc cụ dân tộc được sử dụng nhuần nhuyễn như tiết mục “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” của Câu lạc bộ ví giặm Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An sử dụng nhị, đàn nguyệt và trống chầu, tiết mục “Ru đường non nước” của Câu lạc bộ ví giặm xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sử dụng nhị và đàn đáy…

Tiết mục của Câu lạc bộ ví giặm xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn

Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao giải A cho 15 tiết mục, giải B cho 15 tiết mục, giải C cho 15 tiết mục; trao giải Nhất cho Câu lạc bộ ví giặm xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và Câu lạc bộ ví giặm xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; giải Nhì cho 04 câu lạc bộ ví giặm của các xã Sơn Hòa (huyện Hương Sơn), xã Đức Giang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), xã Đồng Thành (huyện Yên Thành), xã Thanh Văn (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), và giải Ba cho 06 câu lạc bộ.

Qua Liên hoan Dân ca ví, giặm lần này, các nghệ nhân, các câu lạc bộ đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục sưu tầm, biên soạn các làn điệu ví, giặm lời cổ nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị các thể hát và trò diễn xướng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Nga, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


    Ý kiến bạn đọc