Đây là nguồn động viên lớn cho những doanh nghiệp đang phải ngừng sản xuất, kinh doanh và những người lao động tạm thời ngừng việc không lương hoặc bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo và những người yếu thế trong xã hội…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN
Gói hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục trở lại sản xuất sau dịch Covid-19; những người dân chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, lựa chọn đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách của Nhà nước cũng là một vấn đề cần quan tâm nghiêm túc trong quá trình tổ chức thực hiện. Bởi từ một chủ trương đúng nhưng một trong những yêu cầu đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện là phải thực sự bài bản, khoa học và chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực nảy sinh… Có như vậy, những chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước mới phát huy tác dụng trong thực tế đối với từng đối tượng và nhóm đối tượng.
Để thực hiện tốt vấn đề này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phát huy tốt vai trò tham mưu với Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ra các văn bản hướng dẫn các địa phương nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách, thiết kế các biểu mẫu thông tin, giấy tờ với các tiêu chí cụ thể để xác định được đúng những doanh nghiệp và cá nhân thực sự khó khăn. Cùng với đó, công đoàn các cấp cần phát huy tốt vai trò trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng giám sát để chính sách của Đảng, Nhà nước đến đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, không bỏ sót doanh nghiệp và cá nhân được thụ hưởng, tránh tình trạng trục lợi chính sách.
Đối với các xã, phường, thị trấn, ngoài những đối tượng thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng nằm trong danh sách, thì các hộ nghèo và cận nghèo nằm trong diện thụ hưởng cũng cần được đưa ra bình xét từ tổ dân phố, thôn, khu… với sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, như: Mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, bảo đảm sự công khai, minh bạch và đúng đối tượng…
Chúng ta cũng đã có những bài học được rút ra trong công tác giải quyết chính sách, những gói hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó đã có tình trạng một số hộ dân cấu kết với cán bộ địa phương biến chất thiếu trung thực trong việc kê khai, thống kê số lượng thiệt hại để rút lượng tiền, hàng lớn của Nhà nước chia nhau, gây bất bình trong dư luận.
Tránh đi vào những "vết xe đổ" ấy, để chính sách của Đảng, Nhà nước đến được đúng địa chỉ những doanh nghiệp, cá nhân thực sự khó khăn, bảo đảm khách quan, công bằng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự công tâm của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách và sự đồng lòng của nhân dân. ''Một miếng khi đói bằng một gói khi no'', trong lúc khó khăn, từng đồng tiền, bát gạo được chuyển đến nhanh, đúng đối tượng, bảo đảm khách quan, công bằng sẽ mang lại ý nghĩa to lớn đối với người dân, các doanh nghiệp, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)