Trường THPT Lý Tự Trọng - nửa thế kỷ xây dựng, trưởng thành
EmailPrintAa
08:38 29/03/2016

Sáng 26/3/ 2016, Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (1966 - 2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường ôn lại truyền thống, hướng tới tương lai với niềm tin mới, khí thế mới.
 
     Đ/c Trần Nam Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (thứ 3, bên trái),
    thừa ủy quyền Chủ tịch Nước, đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất
                    cho Trường THPT Lý Tự Trọng (ảnh: Bảo Phan)

Dựng xây, trưởng thành trong bom đạn

Đầu năm 1966, Trường Cấp 3 Lý Tự Trọng (nay là Trường THPT Lý Tự Trọng) ra đời - một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân Thạch Hà vì đây là trường cấp 3 đầu tiên của huyện. Ngày mới thành lập, Trường chỉ có ba lớp học, gồm một lớp 9 và hai lớp 8 (hệ 10 năm) với 9 thầy cô giáo và 146 học sinh, chủ yếu là con em các xã phía Bắc của huyện. Các lán học đóng tại xóm An, Ninh, Lộc, Khang, xã Thạch Tiến. Văn phòng nhà trường đặt tại nhà một người dân ở xóm Khang. Cơ sở vật chất ban đầu chỉ khoảng 20 bộ bàn ghế, được chuyển từ Trường Cấp 3 Phan Đình Phùng sang. Năm học tiếp theo, Trường có thêm một số học sinh từ các xã lân cận của huyện Can Lộc, tổng số học sinh là 254 em với 19 thầy cô giáo.

Những năm tháng ấy, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Thầy và trò dạy, học trong lán nhỏ, có hầm nằm sâu dưới lòng đất, lũy và hào bao quanh. Không quản nắng mưa và bom đạn giặc, thầy trò luôn bám trường, bám lớp, tinh thần thi đua “Hai tốt” luôn bền bỉ, hăng say.

Đông đảo bạn đọc cả nước từng biết đến những câu thơ đẫm nước mắt trong bài “Mẹ” của nhà thơ Nguyễn Lê (thầy Nguyễn Văn Bốn – giáo viên Văn của Trường): “Giặc Mỹ nó nhằm con / Mà bắn vào tim mẹ / Đừng khóc con mẹ nhé / Khóc sao hả căm thù!” Không ngờ, những vần thơ ấy như tiên báo một sự kiện bi thảm, để lại dấu tích tang thương trong lịch sử của Trường: Đúng 16h30 ngày 19/8/1968, máy bay Mỹ bổ nhào ném bom trúng vào lớp 9A do thầy Phạm Xuân Ký làm chủ nhiệm, đang học chính trị đầu năm. Lớp có 32 học sinh thì 16 em bị bom Mỹ sát hại, 16 em bị thương.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, nhiều học sinh chấp nhận dang dở việc học hành, nhiều thầy giáo gấp lại trang giáo án, xung phong ra tiền tuyến. Góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, nhà trường có 1 thầy giáo và 130 học sinh đã ngã xuống khi sự nghiệp còn dang dở. Những tấm gương hy sinh của thầy giáo - liệt sỹ Trần Thoại, của các học sinh như: Nguyễn Trọng Ngọc, Thái Văn Lộc, Lê Văn Chinh, Nguyễn Thị Mỹ Cam,… mãi mãi ngời sáng trong trang sử của nhà trường và trong tâm trí thầy trò qua bao thế hệ.

Đau thương là thế nhưng thầy và trò Trường Cấp 3 Lý Tự Trọng vẫn anh dũng, kiên cường vượt qua. Thầy miệt mài trên từng trang giáo án, hăng say trên bục giảng; trò chăm ngoan, chịu khó tìm tòi, tích lũy từng con chữ. Nhờ sự nỗ lực duy trì nền nếp của Ban Giám hiệu, sự hoạt động đều tay của các tổ chức đoàn thể nên chất lượng dạy và học của Trường từng bước được nâng lên.

Sau Hiệp định Paris được ký kết, miền Bắc ngớt tiếng bom đạn, Trường được chuyển lên cạnh miếu Nen (xã Thạch Tiến). Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước hòa bình, thống nhất. Thời kỳ này, Trường vẫn là những lớp học bằng tranh tre, nứa lá, nhưng bầu không khí thanh bình và nhịp sống vui tương đã trở lại. Quy mô nhà trường phát triển lên trên 20 lớp với trên 1.000 học sinh. Dù đời sống cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh rất khó khăn nhưng phong trào thi đua dạy và học của Trường Cấp 3 Lý Tự Trọng vẫn gặt hái được nhiều thành công.

Năm 1981, thực hiện Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị triển khai chương trình cải cách giáo dục, Trường Cấp 3 Lý Tự Trọng đổi thành Trường THPT Lý Tự Trọng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ mới, năm 1985, lãnh đạo huyện Thạch Hà đã quyết định chuyển Trường THPT Lý Tự Trọng từ xã Thạch Tiến về xã Thạch Thượng (nay là thị trấn Thạch Hà). Tại nơi này, từ chỗ nhà tranh vách đất, mấy năm sau, khu nhà học 2 tầng đầu tiên được đưa vào sử dụng. Tiếp đó, bằng sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân, nhà trường đã xây thêm khu nhà Hiệu bộ, 2 dãy nhà 3 tầng và nhà đa chức năng cùng với cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Vững tin hướng tới tương lai

Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, dù ở thời chiến hay thời bình, các thế hệ cán bộ, giáo viên của Trường đã không ngừng phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam. Cùng với quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, thời kỳ nào, Ban Giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giáo viên xác định nâng cao chất lượng dạy và học là nhiệm vụ cốt lõi.

 

Đ/c Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy,
   Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường

Từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã đón nhận trên 350 lượt cán bộ, giáo viên về giảng dạy và công tác. Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, các thầy cô luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, không ngừng vươn lên tự học, tự bồi dưỡng nhằm trau dồi và tích lũy kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Các cuộc hội thảo chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học đã đưa hoạt động chuyên môn đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Các thế hệ thầy cô bám lớp bám trường, tận tụy với công tác giáo dục, từng bước đổi mới có hiệu quả phương pháp giảng dạy, yêu thương và tận tình giúp đỡ các học sinh nghèo vượt khó, bảo ban và uốn nắn kịp thời các biểu hiện lệch lạc, góp phần xây dựng nhân cách đúng đắn cho các thế hệ học sinh.

Nửa thế kỷ đi qua, từ mái trường này, hơn 30.000 học sinh đã học tập, trưởng thành, hiện đang công tác khắp mọi miền Tổ quốc và cả nước ngoài, góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trong đó có nhiều người là là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh, sĩ quan lực lượng vũ trang các cấp, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc, nhà doanh nghiệp,…

Sự trưởng thành của nhà trường gắn với sự lãnh đạo toàn diện của chi bộ Đảng qua các thời kỳ. Từ buổi ban đầu chỉ có 3 đảng viên, đến nay Chi bộ nhà trường đã lớn mạnh với 70 đảng viên. Chi bộ đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lãnh đạo, xây dựng các tổ chức đoàn thể chính trị như Công đoàn, Đoàn thanh niên, các tổ chức hội, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, xây dựng nền nếp, kỷ cương trong nhà trường. Tập thể sư phạm nhà trường trong mọi thời kỳ là một tập thể đoàn kết, gắn bó, sống có nghĩa có tình, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau và luôn có ý thức trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh và chiến sĩ thi đua các cấp ngày càng nhiều. Cùng với đó, số học sinh giỏi, học sinh của Trường thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Trường hiện có 36 lớp với 104 cán bộ, giáo viên và trên 1.500 học sinh. Những năm gần đây, hằng năm có trên 250 em vào đại học, nhiều em thi đậu với điểm số cao, nhiều em đạt học sinh giỏi tỉnh và học sinh giỏi quốc gia; chất lượng dạy và học của Trường luôn xếp tốp đầu khối THPT toàn tỉnh.

Nhiều năm liền, Trường THPT Lý Tự Trọng đạt danh hiệu Tiên tiến và Tiên tiến xuất sắc; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc. Năm 1995 và 2005, Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và là một trong sáu đơn vị đầu tiên khối THPT được công nhận đạt Chuẩn quốc gia. Gần đây nhất, tháng 11/2015, Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, là một trong ba đơn vị của ngành giáo dục - đào tạo Hà Tĩnh được nhận phần thưởng cao quý này.

Có được thành quả đó, bên cạnh nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh, nhà trường đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể các cấp; sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của người dân địa phương, phụ huynh và các nhà hảo tâm…

Bước vào giai đoạn mới, tập thể thầy và trò Trường THPT Lý Tự Trọng xác định sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp, đồng lòng, chung sức, nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển giáo dục và đào tạo; tập trung thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với điều kiện nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, tư vấn hướng nghiệp lựa chọn nghề, phân luồng sau tốt nghiệp THPT; phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của phụ huynh học sinh và nhân dân, cũng như sự quan tâm của ngành giáo dục - đào đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Lược ghi phát biểu của Nhà giáo Nguyễn Thị Nhung,

Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường


    Ý kiến bạn đọc